Theo chương trình Kỳ họp, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn từ ngày 3 đến ngày 5/11.
Quan tâm đến nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp này, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Phú Yên, cho biết: Việc lựa chọn 4 Bộ trưởng trả lời chất vấn là rất hay và thú vị, mặc dù lĩnh vực nào cũng nóng.
Bên cạnh các ngành, lĩnh vực như y tế, kinh tế, giáo dục thì còn những lĩnh vực khác liên quan mật thiết đến đời sống người dân. Trong đó, công tác quản lý ngành Nội vụ liên quan trực tiếp đến biên chế giáo viên, thầy thuốc; đối với vấn đề về tài chính, chứng khoán có vai trò của cơ quan thanh tra như thế nào; đối với bất động sản, quy hoạch là trách nhiệm của Bộ Xây dựng.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng điều quan trọng nhất của các phiên chất vấn không phải chỉ hỏi cho xong, mà còn là quá trình giám sát “lời hứa” của các Bộ trưởng. Vì vậy, chất vấn là cơ hội tốt để ĐBQH trao đổi với các đồng chí tư lệnh ngành.
Đại biểu Lý Thị Lan, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang cho biết, cử tri rất quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong những tháng cuối năm và giai đoạn 3 năm 2023 - 2025.
Bên cạnh đó, cử tri cũng mong muốn chất lượng cán bộ, công vụ, vấn đề biên chế, tiền lương của cán bộ, công chức cần được xem xét, thảo luận; đồng thời giải quyết vướng mắc trong ngành giáo dục liên quan đến biên chế của giáo viên đảm bảo triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới tại vùng sâu, vùng xa.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình khẳng định, chất vấn và trả lời chất vấn là nội dung rất quan trọng và được cử tri đặc biệt quan tâm. Qua tiếp xúc cử tri cũng như qua nghiên cứu về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia và các gói phục hồi kinh tế theo cái Nghị quyết 43 của Quốc hội còn rất hạn chế. Tỷ lệ giải ngân hiện nay thấp nên cử tri rất băn khoăn, mong muốn Chính phủ sẽ có giải pháp để các địa phương triển khai đồng bộ, để các gói hỗ trợ đạt được hiệu quả như mong muốn, đúng với ý nghĩa và tính chất cấp thiết, góp phần tích cực vào phục hồi phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch COVID-19.
Là người có thời gian dài làm việc, nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa, đại biểu Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội mong muốn lĩnh vực văn hóa được quan tâm nhiều hơn nữa.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn nhấn manh, văn hóa chính là hệ điều tiết đối với sự phát triển xã hội, quan tâm nhiều đến văn hóa là, đầu tư phát triển văn hóa đồng nghĩa với việc chúng ta quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển bền vững của đất nước. Đã đến lúc cần có các giải pháp đột phá để đổi mới về văn hóa một cách triệt để, toàn diện hơn, giúp chúng ta có thêm nhiều động lực, nguồn lực phát triển đất nước.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, việc lựa chọn 4 vị thủ lĩnh của ngành là Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin Truyền thông và Thanh tra Chính phủ là hợp lý, phù hợp, sẽ giải đáp nhiều vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm.
Đại biểu kỳ vọng vào nội dung chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn về hỗ trợ chính sách tiền lương cho người lao động, công chức, viên chức, đặc biệt là phải có kế hoạch dài hạn để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp đáp ứng được yêu cầu mới của đất nước, đặc biệt đạt mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra đó là xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia tự cường, độc lập, phát triển vào năm 2045.
Một số đại biểu cho rằng, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ hứa hẹn sự sôi động, các Bộ trưởng, trưởng ngành chắc chắn sẽ đối diện với nhiều câu hỏi “hóc búa” và thẳng thắn của ĐBQH với tinh thần đổi mới của Quốc hội.