Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc buông lỏng quản lý, còn nể nang, né tránh, chưa xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu, người được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý để xảy ra vi phạm, thậm chí có cả trường hợp “bảo kê” cho vi phạm. Có thể thấy tình trạng này qua những sai phạm nghiêm trọng về quản lý rừng ở nhiều địa phương.
Theo đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên), tình trạng phá rừng rất nghiêm trọng ở nhiều địa phương, quy mô lớn trong thời gian dài, nhưng việc xử lý rất hạn chế. Khó nói rằng lực lượng kiểm lâm không biết, chính quyền sở tại không biết…
"Các cử tri cũng cho rằng có sự tiếp tay cho vi phạm, vì vậy, Chính phủ cần xử lý nghiêm vấn đề này", ông Hoàng Văn Hùng đề nghị.
Cùng quan điểm này, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho biết, phá rừng giữa thanh thiên bạch nhật nên cần làm rõ có hay không hành vi làm ngơ, tiếp tay cho phá rừng. Phải làm rõ tội phạm ở đâu hay cơ quan bảo vệ pháp luật yếu kém.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho biết, kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, tình trạng phá rừng rất nghiêm trọng ở một số địa phương nhưng chưa được xử lý kịp thời, nhiều vụ đã khởi tố vụ án nhưng không khởi tố được bị can.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng. Ảnh: TTXVN |
Theo đại biểu Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận), qua công tác phòng chống tội phạm và từ thực tiễn cho thấy, tình hình vi phạm pháp luật còn nghiêm trong, đặc biệt là tội phạm liên quan tới giết người, ma túy, hiếp dâm, băng nhóm, cá độ, thanh toán… Cử tri nhiều địa phương rất lo lắng tình trạng buôn bán sử dụng trái phép ma túy, sử dụng ma túy ngày càng gia tăng.
"Hiện còn 220.000 người nghiện ma túy có hồ sơ, ngoài ra còn nhiều đối tượng chưa lập hồ sơ. Hành vi mua bán trái phép ma túy ngày càng tinh vi, các đối tượng vi phạm thường chống trả quyết liệt. Trong khi đó, công tác cai nghiện hiệu quả chưa cao. Việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện cần có sự phối hợp giữa các ngành”, đại biểu Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận) cho biết.
Một vấn đề nổi cộm không kém được đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nêu ra là loại tội phạm "núp bóng" kinh doanh cầm đồ, cho sinh viên vay vốn, công ty tài chính… mọc ra như nấm do quản lý lỏng lẻo. Có nhiều trường hợp cho vay lãi cao mà không xử lý được. Cử tri băn khoăn hoạt động này diễn ra ngang nhiên ở nhiều địa phương thì cơ quan chức năng có biết hay không?
Nhiều đại biểu trong phiên thảo luận sáng nay cũng bức xúc về tình trạng mất an toàn trong các bệnh viện dẫn đến các bác sỹ, nhân viên y tế bị hành hung dã man. Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) đánh giá, an ninh trật tự tại các bệnh viện đáng lo ngại. Trong thời gian qua xảy ra nhiều vụ hành hung bác sỹ, nhân viên y tế như: Phó trưởng Trạm Y tế xã Hương Long, Hương Khê (Hà Tĩnh) bị chém nhiều nhát tại trạm y tế xã. Phó khoa của Bệnh viện đa khoa Thạch Thất bị hành hung. Hay vụ bắt cóc điều dưỡng viên tại Bệnh viện tâm thần Trung ương….
Không để xảy ra tình trạng "nhờn" luật
Để trấn áp hoạt động mua bán trái phép ma túy, đại biểu Phạm Huyền Ngọc đề nghị, các cấp, các ngành huy động cả hệ thống chính trị để tăng cường phòng chống ma túy. Tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của nhân dân về tác hại của ma túy, đặc biệt là thanh thiếu niên. Xây dựng các mô hình điển hình về cộng đồng không tội phạm ma túy, đưa người nghiện vào các trung tâm, giúp người nghiện hòa nhập cộng đồng để không tái nghiện.
Theo bà Lê Thị Nga, số lượng vi phạm pháp luật hành chính là rất lớn, trong đó nhiều vi phạm nghiêm trọng có dấu hiệu hình sự nhưng số vụ kiến nghị xử lý hình sự không nhiều, mức xử phạt hành chính theo quy định trong nhiều trường hợp quá nhẹ dẫn đến tình trạng chấp hành pháp luật không nghiêm, “nhờn luật”. Dư luận và cử tri cho rằng, nhiều trường hợp còn có biểu hiện “hành chính hóa” quan hệ hình sự, tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm. Đây là vấn đề đã được Ủy ban Tư pháp nêu và kiến nghị với Chính phủ qua nhiều năm nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được khắc phục.
Sáng 6/11, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác năm 2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (trong đó có nội dung về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân).
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (trong đó có nội dung về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân). Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2017.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2017.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án.
Tổng Thanh tra Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng |