Video Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh chia sẻ:
Tại kỳ họp này, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Gần đây thôi, rất nhiều vụ cháy gây thiệt hại cả người và của rất thương tâm, đặc biệt ở Hà Nội.
Một trong những loại hình dẫn đến cháy nhiều nhất là nhà ở kết hợp với kinh doanh. Đây là phương thức sống của những người dân ở các khu đô thị, thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội. Điều này đặt ra với các nhà quản lý về vấn đề kiểm soát phòng cháy, chữa cháy với loại hình này như thế nào cho phù hợp.
Theo tôi, trước mắt cần rà soát lại tất cả loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh trên địa bàn Hà Nội. Đồng thời, phân loại ra đối tượng kinh doanh như thế nào đáp ứng yêu cầu phòng cháy chữa cháy. Từ đó có những đánh giá hiện trạng và yêu cầu hộ kinh doanh phải thực hiện. Cách thức này cũng nên tiến hành với loại hình nhà chung cư, nhà liền kề trong các ngõ hẻm... vốn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cháy nổ và khó cứu hộ, cứu nạn nếu xảy ra cháy.
Bên cạnh đó, phải nâng cao ý thức của hộ kinh doanh, người dân trong phòng cháy, chữa cháy. Việc tuyên truyền, kết hợp với đưa ra quy định sát với thực tế cũng góp phần giảm thiểu các vụ cháy.
Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ lần này quy định trách nhiệm người đứng đầu với phòng cháy, chữa cháy, tôi cho rằng rất phù hợp và cần thiết. Trong một số vụ việc xảy ra do cháy có nguyên nhân sự chủ quan, quan liêu và lơ là của người đứng đầu. Chẳng hạn, trong quá trình tập huấn về phòng cháy, chữa cháy nhưng người đứng đầu thường ủy quyền cho người khác tham gia. Vì vậy, nhận thức, thực hành của người đứng đầu còn hạn chế. Theo tôi, quy định cũng nêu rõ sự ràng buộc khi người đứng đầu phải tham gia tập huấn, huấn luyện đầy đủ theo triệu tập của cơ quan có thẩm quyền.
Video Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐHQH Đồng Tháp chia sẻ:
Nhiều vụ cháy nổ dẫn đến chết người ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội. Tại nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội bàn đến các giải pháp phòng cháy, chữa cháy. Theo tôi, sắp tới cần có quy định rành mạch, rõ ràng trong phòng cháy, chữa cháy.
Trước hết, phòng cháy, chữa cháy là trách nhiệm toàn dân, không chỉ của cơ quan phòng cháy. Nâng cao trách nhiệm của phòng cháy bằng cách tuyên truyền vận động cho người dân. Rà soát lại những nơi, khu vực, loại hình nhà ở có nguy cơ cháy nổ để đưa ra những quy định rõ ràng. Nếu những nơi nào không đáp ứng được quy định phòng cháy, chữa cháy, chính quyền kiên quyết không cho sản xuất kinh doanh.
Tôi hoan nghênh, ủng hộ việc đưa vào dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ cứu nạn về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Chúng ta đề ra nhiều nhiệm vụ, biện pháp về phòng cháy, chữa cháy nhưng nếu người đứng đầu lơ là, thiếu kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở thường xuyên sẽ có thể xảy ra những hậu quả đáng tiếc như trong thời gian qua. Thực tế, mặc dù đã được rút kinh nghiệm nhiều lần, nhưng vẫn xảy ra tình trạng này.
Tôi cho rằng, cần xem xét lại tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu ở cấp cơ sở. Như vậy, khi có sự việc xảy ra sẽ quy trách nhiệm cụ thể, khách quan, công tâm hơn trong xử lý hành chính đối với những cán bộ lơ là mất cảnh giác, thiếu tinh thần trách nhiệm trong phòng cháy, chữa cháy.