Đoàn Việt Nam gồm đại diện Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva và một đại diện thanh niên Việt Nam tham dự Phiên họp thông qua hình thức trực tuyến. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một đại diện thanh niên tham dự và phát biểu tại diễn đàn này.
Phiên họp là sáng kiến của Chủ tịch luân phiên Canada nhằm nâng cao nhận thức của thanh niên về tầm quan trọng, ý nghĩa của các hoạt động giải trừ quân bị.
Tham dự và phát biểu tại Phiên họp có bà Izumi Nakamitsu, Phó Tổng thư ký kiêm Đại diện cấp cao của LHQ về giải trừ quân bị; bà Jayathma Wickramanayake, Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về thanh niên; 4 đại diện chương trình “Quán quân thanh niên về giải trừ quân bị” (Youth Champions for disarmament - Youth4disarmament) đến từ Canada, Uganda, Liban và Việt Nam, cùng một số đại diện thanh niên khác của Hàn Quốc, Séc, Pháp, Nhật Bản, Bỉ, Australia.
Tại Phiên họp, đại diện thanh niên các nước đã chia sẻ quan điểm, suy nghĩ về sự tham gia, giáo dục, định hướng... của giới trẻ hiện nay trong vấn đề giải trừ quân bị.
Chị Phùng Trang Linh, sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội, 1 trong 10 quán quân của chương trình Youth4disarmament, có bài phát biểu với chủ đề “Sự tham gia của thanh niên trong giải trừ quân bị”. Đại diện Việt Nam khẳng định thanh niên có nhiều đóng góp đối với các vấn đề giải trừ quân bị và chia sẻ một số suy nghĩ về những khó khăn, thách thức cản trở sự tham gia toàn diện của thanh niên trong vấn đề giải trừ quân bị, từ đó kiến nghị một số giải pháp khắc phục, cụ thể: Thứ nhất, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, thanh niên cần có nhiều nền tảng tương tác đa dạng và sâu rộng hơn để tham gia giải trừ quân bị, cho rằng cần phải xem xét đa dạng hóa, mở rộng hơn nữa sự tham gia tương tác của thanh niên đến từ các quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh, từ đó nâng cao nhận thức về giá trị thực sự của giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí. Thứ hai, thanh niên phải là lực lượng tiên phong kêu gọi thay đổi tư duy đối với các định kiến về giới vẫn đang kìm hãm sự tham gia của phụ nữ trong việc kiểm soát, không phổ biến vũ khí và giải trừ quân bị. Thứ ba, trong bối cảnh Hội nghị Giải trừ quân bị đang gặp “bế tắc” đàm phán trong một thời gian rất dài, thanh niên các nước trên thế giới - lực lượng tham gia Hội nghị trong tương lai - cần nhiều cơ hội trao đổi, hợp tác, cùng làm việc trong các tổ chức, cơ chế về giải trừ quân bị; qua đó, tạo tiền đề cho sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, hướng tới phá vỡ bế tắc, cùng nỗ lực cho mục tiêu chung là giải trừ và không phổ biến vũ khí.
Kết thúc bài phát biểu, đại biểu Việt Nam nhấn mạnh thanh niên thế giới nói chung và thanh niên Việt Nam nói riêng - đất nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh, đều ý thức rất rõ giá trị của hòa bình và mong muốn được đóng góp phần nhỏ để bảo vệ tương lai; hy vọng sự tham gia hiệu quả của tầng lớp thanh niên trong thời gian tới sẽ giúp xây dựng một cơ chế giải trừ quân bị hiệu quả, góp phần vào hòa bình, an ninh quốc tế và phát triển bền vững.
Hội nghị Giải trừ quân bị là diễn đàn đàm phán đa phương toàn cầu duy nhất về giải trừ quân bị với 65 quốc gia thành viên, đại diện hầu hết các khu vực, các nhóm nước với nhiều trình độ phát triển khác nhau. Việt Nam lần đầu tiên tham gia các cuộc họp của hội nghị năm 1993 và trở thành thành viên đầy đủ năm 1996.
Chương trình Youth4disarmament là sáng kiến được Văn phòng Giải trừ quân bị LHQ (UNODA) đưa ra năm 2019, nhằm kết nối các thanh niên đến từ nhiều khu vực địa lý khác nhau với các chuyên gia để học hỏi, trao đổi về công việc của LHQ và những thách thức đối với an ninh quốc tế hiện nay. Chương trình đã chọn ra 10 thanh niên xuất sắc từ 6515 ứng cử viên đăng ký, gồm đại diện Anh, Liban, Đức, Nigeria, Ai Cập, Uganda, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Nam Phi và Việt Nam.