Chủ tịch Ủy ban Nữ nghị sỹ AIPA, bà Siti Rozaimeriyanty Dato Haji Abdul Rahman, Thành viên Hội đồng Lập pháp Brunei, điều hành hội nghị. Đoàn Việt Nam do bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, dẫn đầu, tham dự Hội nghị.
Theo sáng kiến của Việt Nam và Malaysia, lần đầu tiên trong lịch sử Tổ chức Liên Nghị viện ASEAN (AIPO), Hội nghị Nữ nghị sỹ đã được tổ chức trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPO-19 tại Kuala Lumpur năm 1998. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, thúc đẩy các sáng kiến của nữ nghị sỹ. Kể từ đó, Hội nghị Nữ nghị sỹ AIPO (WAIPO, sau này là WAIPA) đã trở thành một cơ chế chính thức tại các kỳ họp Đại hội đồng. Gần đây nhất, trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA-41 ở Việt Nam năm 2020, Hội nghị Nữ nghị sỹ AIPA (WAIPA) đã thông qua nghị quyết “Tăng cường vai trò của nữ nghị sỹ trong việc bảo đảm việc làm và thu nhập cho lao động nữ”.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay, các nghị viện thành viên AIPA có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết, thể hiện qua việc ban hành các đạo luật và quy định nhằm giúp khắc phục hậu quả của đại dịch. Các nữ nghị sỹ AIPA cũng có vai trò đặc biệt tích cực, thể hiện qua việc cung cấp ý tưởng để bảo đảm về bình đẳng giới trong thu nhập và việc làm cho phụ nữ tại các quốc gia thành viên khu vực, từ đó nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội của các nước thành viên ASEAN.
Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Siti Rozaimeriyanty Dato Haji Abdul Rahman nhấn mạnh, việc trao quyền và bình đẳng cho phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế-xã hội, chính trị là một ưu tiên quan trọng trong chương trình nghị sự của ASEAN và các nỗ lực của các nữ nghị sỹ AIPA để giải quyết vấn đề bình đẳng giới là rất lớn.
Tuy nhiên, bà Siti Rozaimeriyanty Dato Haji Abdul Rahman lưu ý, dù đã có nhiều thành tựu nhưng phụ nữ, trẻ em vẫn gặp nhiều khó khăn và bất lợi ở ASEAN. Ngay cả khi trước đại dịch COVID-19 diễn ra, việc giải quyết vấn đề bình đẳng giới vẫn chưa được đồng đều và còn những khoảng cách về giới. Ước tính, 30% phụ nữ ASEAN đang gặp khó khăn và chủ yếu làm những công việc gia đình. Dịch bệnh khiến phụ nữ yếu thế hơn.
Từ đó, Đoàn đại biểu Brunei – nước chủ nhà AIPA-42 đã có dự thảo Nghị quyết về việc thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong tương lai phục hồi sau đại dịch và việc làm thông qua kỹ thuật số và tài chính bao trùm, nhằm giảm khoảng cách bất bình đẳng giới.
Tiếp sau đó, các đoàn đại biểu đã tham gia thảo luận, góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Theo ý kiến đóng góp của các đoàn, vấn đề nâng cao vai trò của phụ nữ đã được nêu rõ trong mục tiêu phát triển bền vững của ASEAN giai đoạn tới và dự thảo nghị quyết đưa ra vấn đề này chứng tỏ tầm quan trọng trong nhận thức của nhiều quốc gia. Một số ý kiến cho rằng cần có cách ghi nhận khuôn khổ gia tăng bền vững bằng cách giảm khoảng cách về số, về kinh tế trong việc trao quyền cho phụ nữ. Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh sự bao trùm kinh tế và sự truy cập vào nền tảng số dành cho phụ nữ.
Tham gia thảo luận tại hội nghị, Đoàn Việt Nam nhấn mạnh, số hóa là tương lai của thế giới và khu vực, đồng thời sẽ là giải pháp hiệu quả cho phụ nữ nếu họ được trao quyền và được tập huấn. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 có tác động rất lớn của với phụ nữ, nhiều người bị thất nghiệp, đặc biệt là những người làm việc trong ngành sản xuất công nghiệp, làm việc chân tay. Cũng trong thời điểm dịch bệnh này, những khó khăn trong việc hỗ trợ, đặc biệt là về tài chính là một trong những cản trở sự phát triển của phụ nữ cũng như tạo việc làm sau đại dịch COVID-19.
Kết thúc hội nghị, các đoàn đã nhất trí thông qua dự thảo Nghị quyết để trình các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội dự Đại hội đồng AIPA-42 xem xét thông qua tại Phiên họp toàn thể thứ hai diễn ra ngày 25/8.