Góp ý về các dự thảo văn bản, chỉ tiêu đề ra tại Đại hội, ông Nguyễn Văn Thận, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam đề xuất xây dựng dự án nông dân khởi nghiệp, thực hiện tốt vai trò chủ thể, nòng cốt của Hội theo Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, Hội Nông dân cơ sở, huyện, tỉnh đóng vai trò trung tâm kết nối với các cơ quan, doanh nghiệp.
"Muốn khởi nghiệp, nông dân phải tìm hiểu thông tin tất cả lĩnh vực, từ thủ tục đất đai, cơ chế chính sách, bảo vệ môi trường… Hội cần thể hiện vai trò nòng cốt trợ giúp nông dân nắm vững các quy định này", ông Thận chỉ rõ.
Về Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ nông dân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam cho rằng, cần xây dựng hệ thống các văn bản tổ chức hoạt động của Trung tâm, thống nhất cơ quan ra quyết định trên phạm vi toàn quốc; xây dựng và hướng dẫn danh mục dịch vụ công mang tính đặc thù.
Qua nhiều lần nghiên cứu, ông Hoàng Thanh Nam, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) nhận định, chủ đề, bố cục các văn kiện Đại hội đã hoàn thiện hơn, trong đó cập nhật các chủ trương của Đảng trong việc đánh giá nhiệm vụ nhiệm kỳ VII.
Theo ông Nam, Việt Nam đang trong xu hướng chuyển đổi số và ngay trong phiên họp sáng 25/12, ứng dụng (App) Nông dân Việt Nam đã ra mắt. Hiện nay, hầu như nông dân nào cũng có điện thoại thông minh, có thể cập nhật rất nhanh thông tin, các định hướng, chủ trương, cách làm… chứ không đợi tập huấn mới nắm được.
Do đó, ông Hoàng Thanh Nam kiến nghị, văn kiện Đại hội nên đưa chỉ tiêu 100% Hội Nông dân cơ sở tổ chức chương trình vận động, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp; đến năm 2027, có 95% gia đình hội viên nông dân lập và sử dụng tài khoản thanh toán điện tử. Điều này thể hiện vai trò của tổ chức Hội trong tham gia xây dựng xã hội số, cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Phát biểu tại Trung tâm thảo luận số 1, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời khẳng định vai trò của người nông dân trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
"Trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nông dân tích cực thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của Đảng; góp phần đưa nông nghiệp trở thành trụ đỡ để nền kinh tế quốc dân vượt qua suy thoái kinh tế toàn cầu và đại dịch COVID-19", ông Huỳnh Văn Thòn nhấn mạnh
Theo ông Huỳnh Văn Thòn, nông dân đóng góp nhiều nhất cho đất nước, cho xã hội; song đây cũng là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất. Sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam luôn đối mặt với nhiều rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường…
Do đó, các cấp Hội nên có một chỉ tiêu hoặc đặt vấn đề về vấn đề bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân. Trước mắt có thể thí điểm việc tham gia bảo hiểm nông nghiệp cây trồng cho nông dân.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn chỉ rõ, bảo hiểm nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, thiết yếu cho người nông dân để hạn chế những thiệt hại do rủi ro gây nên. Vì vậy, việc tham gia bảo hiểm là rất cần thiết.
"Việc này cực kỳ khó, nhưng chẳng lẽ khó mà chúng ta không làm. Tôi nghĩ rằng, việc nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp là vấn đề rất chính đáng, rất cấp thiết. Chúng ta không thể chần chừ được", ông Huỳnh Văn Thòn nhấn mạnh.
Ông Huỳnh Văn Thòn cũng đánh giá cao vai trò của các cấp Hội Nông dân Việt Nam thời gian qua đã hỗ trợ nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, liên kết sản xuất tạo vùng nguyên liệu tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.
Trong nhiệm kỳ mới, ông Huỳnh Văn Thòn đề nghị các cấp Hội cần đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp, phát huy vai trò cầu nối giúp nông dân liên kết với doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp cần đi sâu hơn, liên kết chặt chẽ hơn với tổ chức Hội Nông dân để sản xuất tốt hơn.