Đây là chia sẻ của ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ với phóng viên TTXVN, bên thềm Đại lễ Vesak 2019, diễn ra từ ngày 12 - 14/5, tại chùa Tam Chúc (Hà Nam).
Ông có thể cho biết, lý do nào giúp Việt Nam được chọn là nước chủ nhà đăng cai Đại lễ Vesak 2019?
Lần thứ ba Việt Nam được Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên hợp quốc chọn tổ chức đăng cai Đại lễ Vesak, có thể nói, đó là một là vinh dự, nhưng cũng có thể nói, đó là một sự chu đáo của Việt Nam. Tôi được biết, cùng với Việt Nam, 4 quốc gia khác cùng nộp đơn xin đăng cai Đại lễ Vesak là Ấn Độ, Myanmar, Philippines và Trung Quốc.
Tại sao Việt Nam lại được chọn? Vì Việt Nam vừa thể hiện sự đồng thuận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vừa có sự đồng thuận của Nhà nước. Các nước khác có thể được một thành phần, nhưng thiếu thành phần khác. Ví dụ như Ấn Độ, Nhà nước muốn đăng cai nhưng Giáo hội Phật giáo lại không đứng ra. Các nước khác, Giáo hội Phật giáo đứng ra nhưng Nhà nước lại chưa có sự đồng thuận. Như thế để nói rằng, ở Việt Nam, đạo với đời là một sự kết hợp hết sức nhuần nhuyễn và đúng lúc, đúng kỳ.
Điều thứ hai, có thể nói, hai lần tổ chức ở Việt Nam đã để lại hình ảnh rất đẹp trong lòng Phật tử và nhân dân thế giới. Khi gặp gỡ các thành viên của Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên hợp quốc, nói tới tổ chức ở Việt Nam, gần như ai cũng đồng thuận. Đó là điều rất tốt. Chính điều đó đã tạo nên niềm tin cho các thành viên và Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên hợp quốc quyết định nên chọn Việt Nam trong kỳ này.
Theo ông, Việt Nam góp phần tôn vinh giá trị nhân văn, hòa bình cho thế giới như thế nào thông qua Đại lễ Vesak?
Trước hết, Đại lễ Vesak là một chủ trương của Liên hợp quốc nhằm khẳng định những giá trị tốt lành của đức Phật trong đời sống xã hội. Đó là tinh thần trí tuệ - theo ngôn ngữ của Phật giáo và theo phương châm của Phật giáo là “duy, tuệ, thị, nghiệp”. Phật giáo lấy trí tuệ để đối xử với nhau trong đời sống xã hội từ xưa tới nay và trí tuệ đó được thể hiện bằng tinh thần cao nhất, đó là tâm từ bi, tình thương yêu, sự đoàn kết, gắn bó với nhau cùng phát triển.
Việt Nam ủng hộ chủ trương của Liên hợp quốc và chúng ta tổ chức thành công. Điều đó khẳng định chúng ta đang thể hiện tinh thần đoàn kết nhân loại, thông qua đó ủng hộ chủ trương tiến bộ của Liên hợp quốc là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển.
Ông nhận thấy sau hai lần tổ chức, Vesak mang lại gì cho Việt Nam và ông kỳ vọng gì ở Đại lễ Vesak lần này?
Mỗi một lần tổ chức Đại lễ Vesak là một thử thách về sự cộng đồng trách nhiệm giữa Nhà nước đối với tôn giáo và tôn giáo với đời sống xã hội, bởi vì làm việc gì cũng cần phải có điều kiện về cơ sở vật chất, về tâm lý chuẩn bị cho công việc và cả năng lực làm việc. Tổ chức được tốt chứng tỏ chúng ta có sự chuẩn bị rất tốt về mặt tâm lý, có điều kiện về mặt vật chất và có năng lực, khả năng tổ chức. Qua 16 lần Đại lễ Vesak được tổ chức, các đoàn quốc tế đánh giá cao hai lần tổ chức ở Việt Nam vào năm 2008 và 2014.
Tôi không chủ quan về việc này. Chúng tôi khi gặp các thành viên Ủy ban Tổ chức quốc tế, khi đi dự Đại lễ Vesak ở các nước khác, giới thiệu mình là người Việt Nam, trong đoàn Phật giáo Việt Nam, họ đều đánh giá Việt Nam tổ chức rất tốt. Hai lần tổ chức ở Việt Nam thật sự là sự vinh danh. Cái đó chúng ta không muốn phô trương, nhưng chúng ta muốn nói tới tinh thần của một dân tộc khi thể hiện những giá trị văn hóa, tâm linh và khả năng của mình đối với việc mến khách và tổ chức các hoạt động mang tầm quốc tế.
Ông có thể nói rõ hơn về vị thế của Việt Nam khi tổ chức Đại lễ Vesak?
Tôi đã đi dự Đại lễ Vesak ở một số nước, một số lần. Nói về tổ chức Đại lễ Vesak, mới có 3 quốc gia tổ chức, trong đó Thái Lan 11 lần, Sri Lanka một lần và Việt Nam hai lần. Chúng tôi đến Thái Lan hoặc đi Sri Lanka, khi nói tới Việt Nam, các đoàn quốc tế đều chia sẻ Đại lễ Vesak được Việt Nam tổ chức với quy mô hoành tráng, con người thân thiện và đặc biệt Phật giáo Việt Nam đoàn kết.
Các đoàn quốc tế nhìn thấy ở Việt Nam một tổ chức Phật giáo đứng ra để lo việc chung, không chỉ riêng cho tôn giáo là Phật giáo mà lo chung cho cả xã hội. Họ nói rằng, hiếm có một đất nước nào khi làm một việc mang giá trị tâm linh, văn hóa mà lại vui, đoàn kết đến thế. Các đại biểu quốc tế đánh giá rất cao tính thân thiện của con người Việt Nam.
Chính chúng tôi cũng cảm thấy điều mà họ nói là sự thật từ tấm lòng chứ không phải họ khen mình theo kiểu xã giao. Và tôi càng tin vào điều đó, khi chính nước Mỹ và Triều Tiên chọn Việt Nam làm nơi gặp gỡ, bởi ở đó không chỉ có sự bình yên về an ninh, mà còn có tấm lòng con người trong tình hữu nghị và sự đoàn kết. Họ cảm thấy vui, hạnh phúc khi bước chân tới một đất nước mà mọi người đều thể hiện tình cảm đó. Tôi mong sao tình cảm đó được duy trì và phát triển trong đời sống xã hội Việt Nam ngày càng tốt đẹp.
Đây là lần thứ 3 Việt Nam tổ chức đăng cai Đại lễ Vesak, về phía Ban Tôn giáo Chính phủ, ông có ý kiến gì?
Cả ba lần tôi đều tham gia với tư cách là thư ký của Tổ công tác Chính phủ. Chúng tôi thấy đó không chỉ là trách nhiệm, mà đó còn là tình cảm đối với một tổ chức tôn giáo được cả xã hội kính trọng. Cũng có thể nói, đó là một phần trách nhiệm của mình đóng góp cho các hoạt động xã hội.
Trân trọng cảm ơn ông!