Trước thềm chuyến thăm chính thức của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đến Đan Mạch theo lời mời của Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Đan Mạch Lương Thanh Nghị. Sau đây là nội dung bài phỏng vấn:
Thưa Đại sứ, ông đánh giá như thế nào về những tiến triển trong quan hệ song phương Việt Nam - Đan Mạch thời gian gần đây?
Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1971, nhất là kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013, các lĩnh vực hợp tác Việt Nam – Đan Mạch ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Bên cạnh việc tăng cường các cơ chế hợp tác truyền thống trong các lĩnh vực như chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, môi trường, chống biến đổi khí hậu…, hai nước đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực có tính chiến lược, nhiều tiềm năng như năng lượng, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
Một số kết quả nổi bật trong các lĩnh vực hợp tác cụ thể như sau:
Một là, hai bên thường xuyên duy trì trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao, vừa thể hiện sự coi trọng vai trò của nhau, vừa có tính định hướng cho các nội dung hợp tác cụ thể.
Ngày 1/11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ hai nước đã tiến hành hội đàm trực tuyến và thông qua Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh Việt Nam - Đan Mạch với 10 nhóm lĩnh vực hợp tác có tính chất bao trùm, có ý nghĩa không chỉ với sự phát triển bền vững của Việt Nam, mà còn thể hiện cam kết và quyết tâm của hai nước trong việc chung tay giải quyết một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại hiện nay, đó là biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường. Tiềm năng hợp tác giữa hai nước là rất lớn, còn rất nhiều dư địa phát triển, do vậy từ góc độ song phương, việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Xanh sẽ mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Đan Mạch.
Trước đó, chuyến thăm Việt Nam của Thái tử kế vị và Công nương Đan Mạch vào đầu tháng 11/2022 đã tập trung trao đổi về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, với sự tham gia của 36 doanh nghiệp hàng đầu của Đan Mạch. Đây là lĩnh vực mà hai bên đã triển khai rất hiệu quả thông qua Chương trình hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch kể từ năm 2013. Trong chuyến thăm, doanh nghiệp và địa phương hai nước đã ký kết 14 Bản ghi nhớ hợp tác, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu và phát triển, tham gia chuỗi cung ứng trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo…
Hai là, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư trong 10 năm qua đã phát triển mạnh mẽ, đạt kết quả rất đáng khích lệ. Tổng kim ngạch thương mại song phương trong 10 năm qua đã tăng gần gấp hai lần, từ 480 triệu USD năm 2013 lên mức gần 900 triệu USD năm 2022. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư Đan Mạch quan tâm tìm kiếm cơ hội, mở rộng kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam. Tính đến hết tháng 12/2022, Đan Mạch có 155 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 1,787 tỷ USD, trong đó có dự án xây dựng nhà máy trung hoà carbon đầu tiên trên thế giới trị giá hơn 1 tỷ USD của tập đoàn Lego, hay dự án trị giá khoảng 160 triệu USD của Pandora sử dụng năng lượng tái tạo, dự kiến thu hút hơn 6.000 lao động. Đáng chú ý là hầu hết các doanh nghiệp lớn đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam đang tích cực thực hiện chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, thực hiện trách nhiệm xã hội theo tiêu chí của Chính phủ Đan Mạch.
Ba là, các chương trình hợp tác chiến lược theo lĩnh vực (SSC), trọng tâm là môi trường, nông nghiệp, y tế, giáo dục và thống kê cũng đang được hai nước triển khai hết sức hiệu quả. Bên cạnh đó, hợp tác trong một số lĩnh vực khác như khoa học công nghệ, tư pháp, giao lưu nhân dân, văn hoá… cũng ngày càng trở nên thực chất và hiệu quả.
Bốn là, từ góc độ đa phương, Việt Nam và Đan Mạch thường xuyên ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc và các tổ chức của Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)-Liên minh châu Âu (EU), Đối tác vì Tăng trưởng Xanh và Mục tiêu Toàn cầu 2030 (P4G)…, vừa thể hiện sự tin cậy chính trị cao giữa hai nước, vừa cho thấy Đan Mạch coi trọng và có đánh giá tích cực đối với chính sách đối ngoại của Việt Nam trước các vấn đề quốc tế và khu vực.
Với những tín hiệu lạc quan đó, ông nhận định như thế nào về ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm Đan Mạch của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân?
Trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Đan Mạch đang có những tiến triển tích cực như hiện nay, chuyến thăm của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhất là tại thời điểm hai nước kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Toàn diện và diễn ra ngay sau khi hai nước vừa thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh Việt Nam - Đan Mạch. Trên tinh thần đó, tôi muốn nhấn mạnh một số điểm:
Thứ nhất, chuyến thăm tiếp tục khẳng định sự gắn bó, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước, góp phần củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ vừa toàn diện, vừa có tính chiến lược Việt Nam – Đan Mạch.
Quan hệ Việt Nam - Đan Mạch được xây dựng không chỉ dựa trên lợi ích song trùng của hai quốc gia, mà còn được vun đắp trên tình hữu nghị giữa hai dân tộc và sợi dây kết nối tình cảm đặc biệt giữa lãnh đạo và người dân hai nước.
Lãnh đạo và người dân Việt Nam luôn trân trọng những năm tháng tuổi trẻ sinh sống và học tập tại Việt Nam của Hoàng thân Henrik cũng như sự gắn bó, tình cảm dành cho đất nước và con người Việt Nam và sự ủng hộ quan hệ Việt Nam - Đan Mạch ngày càng phát triển của Hoàng gia Đan Mạch.
Thứ hai, chỉ chưa đầy một tháng sau khi Thủ tướng hai nước thông qua tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh Việt Nam - Đan Mạch (ngày 1/11), Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng đoàn đại biểu Việt Nam thăm chính thức Đan Mạch với chương trình hoạt động có nhiều nội dung cụ thể, thực chất, thể hiện quyết tâm triển khai có hiệu quả cam kết của lãnh đạo hai nước đối với việc đẩy mạnh hợp tác liên quan đến chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
Thứ ba, các hoạt động tiếp xúc của Phó Chủ tịch nước với một số doanh nghiệp hàng đầu của Đan Mạch cũng góp phần khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc tạo môi trường ổn định, thuận lợi, củng cố lòng tin của doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Đan Mạch, vào môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, góp phần hiện thực hoá chủ trương chuyển từ “lượng” sang “chất” trong công tác xúc tiến đầu tư, thu hút thêm nhiều các dự án đầu tư xanh, chất lượng cao của doanh nghiệp Đan Mạch vào Việt Nam.
Xin ông cho biết, trong chuyến thăm này, dự kiến hai bên sẽ trao đổi về những nội dung gì?
Theo chương trình, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ hội kiến Thái tử kế vị Đan Mạch Frederik, tiến hành hội đàm với Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen và hội kiến Chủ tịch Quốc hội Đan Mạch Søren Gade; tham dự lễ kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Toàn diện do Hội đồng thành phố Copenhagen đồng chủ trì cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Đan Mạch; gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Đan Mạch và thăm, làm việc với nhiều doanh nghiệp Đan Mạch đang hoạt động trong lĩnh vực tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Dự kiến, trong các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao Đan Mạch, bên cạnh trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ tập trung trao đổi với lãnh đạo Đan Mạch các biện pháp nhằm củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ truyền thống, hữu nghị Việt Nam - Đan Mạch, cũng như thảo luận các nội dung hợp tác mới có giá trị đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Với một chương trình hoạt động vừa dày đặc, vừa có trọng tâm như vậy, tôi tin rằng chuyến thăm của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và đoàn đại biểu Việt Nam sẽ thành công tốt đẹp, góp phần vào việc củng cố, nâng cấp toàn diện các nội dung hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch, vì sự phát triển của đất nước cũng như nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu về môi trường, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!