Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại UAE Nguyễn Thanh Diệp đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Trung Đông - Bắc Phi về ý nghĩa chuyến thăm, cũng như triển vọng hợp tác của hai nước. Sau đây là nội dung cuộc trả lời cuộc phỏng vấn:
Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến UAE lần này? Các hoạt động và nội dung làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại UAE sẽ có những nét nổi bật nào, thưa Đại sứ?
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sau 15 năm. Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc củng cố tin cậy chính trị, nâng tầm quan hệ của Việt Nam cả về chiều rộng và chiều sâu với UAE, tạo động lực, mở rộng giai đoạn hợp tác mới giữa Việt Nam và UAE, đặc biệt trong thu hút đầu tư của UAE vào Việt Nam và tạo bước đột phá cho hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tiếp cận thị trường vùng Vịnh.
Trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới UAE, hai nước dự kiến ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và UAE. Hai bên cũng sẽ có các hoạt động và nội dung làm việc như tăng cường hợp tác tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế và khu vực; tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp; tạo đột phá trong quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư hai nước; đẩy mạnh giao lưu nhân dân, tăng cường hợp tác an ninh, giáo dục, lao động, biến đổi khí hậu, môi trường và các lĩnh vực khác; thúc đẩy ký kết các văn kiện hợp tác nhằm củng cố khuôn khổ pháp lý cho hợp tác song phương.
Đại sứ đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác Việt Nam - UAE trên các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh?.
Với việc dự kiến ký kết CEPA trong khuôn khổ chuyến thăm, quan hệ giữa hai nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Đặc biệt, kế hoạch ký kết CEPA - hiệp định thương mại tự do đầu tiên mà Việt Nam đàm phán với một quốc gia Arab ở khu vực Trung Đông, sẽ mở ra những triển vọng to lớn, một giai đoạn mới về hợp tác chiến lược chung trong nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và UAE. CEPA sẽ là căn cứ pháp lý, tạo ra một nền tảng mới nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác chung về kinh tế giữa hai nước, thông qua việc giảm hoặc xóa bỏ thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ.
Hiệp định cũng sẽ tạo cơ hội tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, thúc đẩy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tạo ra các cơ hội mới trên một số lĩnh vực quan trọng cho cộng đồng doanh nghiệp của cả 2 nước. Hợp tác giữa Việt Nam và UAE trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, kinh tế, công nghiệp, năng lượng, logistics, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo, hợp tác lao động, du lịch… sẽ được thúc đẩy khi tiến trình CEPA mở ra.
Thưa Đại sứ, đâu là thuận lợi, khó khăn và cơ hội để hàng hóa của Việt Nam đến được với người tiêu dùng UAE?
Về thuận lợi, thứ nhất, quan hệ Việt Nam- UAE đang phát triển tích cực, niềm tin chính trị ngày càng tăng lên. Các nhà lãnh đạo UAE đánh giá cao quan hệ với Việt Nam, nhấn mạnh Việt Nam trở thành điểm sáng trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời mong muốn thúc đẩy, nâng tầm quan hệ với Việt Nam nhằm đa dạng hóa thị trường, đa phương hóa quan hệ, tạo nên bước đột phá trong quan hệ kinh tế giữa 2 nước nói riêng và tổng thể quan hệ song phương Việt Nam-UAE nói chung.
Ngoài ra, chính sách Hướng Đông, đa dạng hóa đối tác để phát triển của Chính phủ UAE là động lực thúc đẩy triển khai các hoạt động song phương, đa phương của UAE với Việt Nam và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), gia tăng sự hiểu biết của người dân và doanh nghiệp UAE về Việt Nam, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước.
Thứ hai, về thương mại, UAE là thị trường mở và đặc thù. Do hoạt động sản xuất trong nước không đáp ứng đủ tiêu dùng, UAE hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào hàng hóa nhập khẩu để phục vụ nhu cầu trong nước và tái xuất khẩu. Điều này mở ra cơ hội cho các sản phẩm của Việt Nam.
Thứ ba, doanh nghiệp UAE đánh giá Việt Nam có môi trường chính trị-xã hội ổn định; có tiềm lực và quy mô nền kinh tế ngày càng lớn mạnh. Họ cũng đánh giá cao nỗ lực cải cách của Việt Nam, nỗ lực xây dựng và hoàn thiện thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh. Theo các doanh nghiệp UAE, Việt Nam là thị trường năng động, có nhiều tiềm năng, với hàng hóa đa dạng và có chất lượng, ngày càng thu hút sự quan tâm của UAE và các nước.
Về khó khăn, thị trường UAE có tính cạnh tranh rất khốc liệt, do đó doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn và thách thức. Chi phí vận chuyển cao hơn do khoảng cách địa lý xa xôi cũng như sự khác biệt về nhu cầu, văn hóa, ngôn ngữ, thị hiếu tiêu dùng và tập tục kinh doanh gây nhiều bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường UAE.
Các doanh nghiệp đến từ các nước Nam Á như Ấn Độ và Pakistan có ảnh hưởng rất lớn tại thị trường UAE, do hai nước này có nhiều công dân sinh sống và làm việc tại ở UAE. Hiện nay, hệ thống bán lẻ tại UAE chủ yếu do người Ấn Độ và Nam Á thống trị. Bên cạnh đó, hầu hết thực phẩm và đồ uống của Việt Nam đều chưa có chứng nhận Halal nên khó tiếp cận thị trường UAE.
Bên cạnh đó, dù công tác tuyên truyền, quảng bá được quan tâm thúc đẩy trong thời gian qua, nhưng người dân và doanh nghiệp UAE mong muốn hợp tác đầu tư và làm ăn với Việt Nam còn thiếu thông tin về thị trường Việt Nam.
Hai nước cần thúc đẩy các chế hợp tác cụ thể nào để tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư song phương, thưa Đại sứ?
Thứ nhất, ở cấp vĩ mô, hai nước cần tiếp tục thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao, nâng cấp quan hệ, gia tăng tin cậy chính trị, tạo tiền đề cho việc mở rộng hợp tác kinh tế. Việc nâng cấp quan hệ có vai trò rất quan trọng với UAE trong việc mở rộng hợp tác, đầu tư trong những lĩnh vực mà UAE quan tâm như công nghệ cao, năng lượng sạch, trí tuệ nhân tạo, công nghệ điện toán, chất bán dẫn, qua đó tạo cơ hội cho các tập đoàn lớn của Việt Nam như FPT, Viettel, Vingroup… tham gia. Có thể nhận thấy quan hệ hợp tác giữa UAE với Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tăng nhanh sau khi UAE nâng cấp quan hệ với các quốc gia này.
Thứ hai, về thương mại và đầu tư, hai bên cần nhanh chóng phát triển thị trường Halal, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm Halal, hỗ trợ hàng hóa Việt Nam tiếp cận chuỗi cung ứng của UAE và khu vực, đáp ứng nhu cầu khách du lịch Hồi giáo. Trong bối cảnh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt, doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào những sản phẩm có sự khác biệt và có lợi thế cạnh tranh cao, đáp ứng đúng thị hiếu của người tiêu dùng UAE để tạo nên sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.
Hai nước cũng cần thúc đẩy xây dựng một hiệp hội doanh nghiệp tại UAE để đóng vai trò kiến tạo mạng lưới liên kết, cung cấp thông tin và tư vấn, giảm thiểu những trường hợp tranh chấp/lừa đảo thương mại…Về đầu tư, Việt Nam và UAE cần thành lập tổ công tác chung giữa hai nước nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường kết nối và tư vấn các dự án/đối tác tiềm năng giữa hai nước, thúc đẩy UAE đầu tư các lĩnh vực có thế mạnh của Việt Nam như năng lượng, năng lượng tái tạo, dầu khí, logistics, bất động sản, cơ sở hạ tầng năng lượng, cơ sở hạ tầng công nghiệp, khu công nghiệp và xử lý nước thải khu công nghiệp.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!