Đại sứ quán đã nhanh chóng thiết lập đường dây nóng 24/24 và lên kế hoạch phân công cụ thể cho từng cán bộ theo hai nhóm chính để kịp thời hỗ trợ công dân khi sơ tán từ Ukraine sang Ba Lan. Nhóm thứ nhất chịu trách nhiệm đảm bảo hướng dẫn thông tin về các quy định của chính quyền sở tại đối với kiều bào di tản từ Ukraine sang Ba Lan, cũng như chính sách hỗ trợ dành cho công dân tại cửa khẩu và trong thời gian cư trú tại Ba Lan. Nhóm thứ hai thực hiện nhiệm vụ cơ động hỗ trợ xử lý các vấn đề tại cửa khẩu, nhất là phối hợp với lực lượng biên phòng Ba Lan để xử lý những vấn đề phát sinh như những trường hợp chưa đủ giấy tờ theo yêu cầu của sở tại để giúp bà con sớm nhập cảnh và sau đó hướng dẫn về nơi lưu trú.
Đại sứ Nguyễn Hùng nhấn mạnh trong triển khai công tác bảo hộ công dân, Đại sứ quán xác định cần phải chú trọng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại, trong đó có Bộ Ngoại giao, Cơ quan Biên phòng và Ủy ban về người nước ngoài của Ba Lan để dành sự hỗ trợ tốt nhất cho bà con. Bên cạnh đó, Đại sứ quán cũng phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội đoàn người Việt, trong đó nòng cốt là Hội người Việt Nam thành lập những nhóm hỗ trợ trực tiếp cụ thể cho bà con tại cửa khẩu cũng như trong quá trình lưu trú 15 ngày theo quy định của Ba Lan.
Theo thống kê của Cơ quan Biên phòng Ba Lan, tính đến ngày 6/3, đã có khoảng 1.700 công dân có quốc tịch Việt Nam từ Ukraine nhập cảnh vào Ba Lan. Đại sứ mong muốn nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng, doanh nghiệp người Việt tại các nước lân cận cũng như các nhà hảo tâm trong nước để Hội người Việt Nam tại Ba Lan có thể đảm bảo điều kiện lưu trú cho bà con sơ tán. Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam tại Ba Lan (chùa Nhân Hòa) và chùa Thiên Phúc là cơ sở hỗ trợ tiếp nhận lưu trú ban đầu cho kiều bào. Tuy nhiên, số lượng người sơ tán sang Ba Lan ngày càng tăng đã gây khó khăn nhất định trong công tác bố trí ăn ở và sinh hoạt.
Riêng về chuyến bay hồi hương công dân, Đại sứ Nguyễn Hùng nhấn mạnh đây là chủ trương nhất quán của Nhà nước và Chính phủ đối với công tác bảo hộ công dân. Do đó, nhiệm vụ của Đại sứ quán là tập trung lên danh sách những bà con có nguyện vọng về nước theo chuyến bay do Nhà nước tổ chức, dự kiến chuyến đầu tiên vào ngày 9/3 từ Vácsava về Hà Nội.
Hiện có hơn 530 bà con lánh lạn đang lưu trú tại Ba Lan đăng ký nguyện vọng về nước. Đại sứ quán đang khẩn trương tập hợp danh sách bà con có nguyện vọng về nước để trình Chính phủ sớm nhất để có thể tổ chức chuyến bay thứ hai.
Để chuẩn bị cho chuyến bay hồi hương đầu tiên, Đại sứ quán đã làm việc với Bộ Ngoại giao, Cục Hàng không Dân dụng Ba Lan để xin cấp phép bay kịp thời, cũng như phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại hỗ trợ những trường hợp thiếu giấy tờ có thể về nước trên chuyến bay này.
Đại sứ Nguyễn Hùng cho biết với phương châm bảo hộ công dân là nhiệm vụ hàng đầu, thời gian tới, Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng sở tại và Hội người Việt Nam để làm tốt hơn nữa công tác hỗ trợ cho bà con người Việt từ Ukraine sang sơ tán tại Ba Lan.