Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một đảng viên cộng sản kiên cường, nhất mực trung thành, tận trung với Đảng, với nước, tận hiếu với nhân dân; một nhà lãnh đạo tài năng, có uy tín của Đảng và cách mạng Việt Nam; nhà chiến lược chính trị - quân sự và vị chỉ huy xuất sắc của quân đội, người con ưu tú của quê hương Thừa Thiên-Huế.
Tuổi thơ dữ dội
Nguyễn Chí Thanh là tên do Bác Hồ đặt cho nhà cách mạng trẻ tuổi Nguyễn Vịnh (tên thật của đồng chí). Đồng chí sinh 1/1/1914, tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 14 tuổi, khi đang học sơ học tại trường làng thì cha mất, đồng chí phải bỏ học, làm tá điền để phụ giúp gia đình. Năm 1931, được các lớp đàn anh giác ngộ cách mạng, đồng chí đã cùng một số thanh niên trong làng tập hợp lại đấu tranh chống bọn cường hào ngay tại địa phương.
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị (bên phải ảnh) cùng Bộ Tổng Tư lệnh chuẩn bị cho chiến dịch Đông Xuân 1953-1954. Ảnh tư liệu |
Tháng 7/1937, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, trở thành Bí thư chi bộ cộng sản đầu tiên ở địa phương, rồi Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Cuối năm 19, đồng chí bị địch bắt, nhưng chúng lại phải thả vì không có đủ bằng chứng. Đến giữa năm 1939 thì đồng chí bị thực dân Pháp bắt lại và kết án khổ sai, giam ở các nhà lao Huế, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột.
Năm 1941, đồng chí vượt ngục trở về với cách mạng, cùng các đồng chí khác thành lập Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Thừa Thiên. Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp tháng 3/1945, đồng chí được cử về chỉ đạo phong trào ở Nam Trung Bộ. Tháng 8/1945, thay mặt tổ chức Đảng ở Trung Kỳ, đồng chí ra Việt Bắc tham dự Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào và được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung kỳ.
Năm 1947, với cương vị là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, đồng chí đã vận dụng sáng tạo tư tưởng chiến tranh nhân dân của Đảng vào tình hình của địa phương, từng bước khôi phục và giữ vững Mặt trận Huế, mở ra một cục diện mới, phát triển chiến tranh du kích trong vùng địch tạm chiếm. Năm 1948, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được chỉ định làm Bí thư, rồi Bí thư Liên khu ủy Liên khu 4.
Người cộng sản kiên trung
Tại Bình - Trị - Thiên những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, đồng chí đã cùng với Liên khu ủy vận dụng linh hoạt, sáng tạo đường lối kháng chiến của Đảng để kiên cường lãnh đạo lực lượng vũ trang và nhân dân giữ vững con thuyền cách mạng, xoay chuyển tình thế, giành thắng lợi to lớn. Với những đóng góp xuất sắc đó, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã được Bác Hồ tặng danh hiệu là “Vị tướng du kích”.
Vào giữa năm 1950, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị kiêm Phó Bí thư Tổng Quân ủy. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng năm 1951, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và cử vào Bộ Chính trị.
Trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị kiêm Phó Bí thư Tổng Quân ủy, đồng chí đã cùng Tổng Quân ủy trực tiếp lãnh đạo quân đội thực hiện thắng lợi đường lối kháng chiến của Đảng. Củng cố vững chắc sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Xây dựng quân đội vững mạnh. Với những cống hiến to lớn cho cách mạng và quân đội, năm 1959, đồng chí được Nhà nước phong quân hàm Đại tướng và đây là vị Đại tướng thứ hai của quân đội ta.
Năm 1960, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Đảng và Bác Hồ điều sang phụ trách Ban Nông nghiệp Trung ương của Đảng. Trên cương vị mới, đồng chí đã đến với nông dân, về với các hợp tác xã, nông trường... tìm hiểu thực tế tình hình để từ đó góp phần cùng Đảng đưa nông nghiệp miền Bắc phát triển không chỉ đảm đương được một phần quan trọng về lương thực, thực phẩm đảm bảo đời sống nhân dân, mà còn bước đầu chi viện cho cách mạng miền Nam, góp phần vào thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đồng chí được nhân dân suy tôn với tên gọi trìu mến “Đại tướng của nông dân”.
Năm 1964, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước vào thời kỳ quyết liệt, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh cử vào miền Nam làm Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, trực tiếp chỉ đạo cách mạng miền Nam. Trong những năm này, đồng chí đã cùng với Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền đề xuất nhiều chủ trương, chiến lược, sách lược đúng đắn làm cơ sở để Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm chiến lược kịp thời, chính xác, góp phần làm nên nhiều chiến thắng vang dội.
Đồng chí đã có những đánh giá, phân tích rất khoa học và biện chứng về quân Mỹ, tìm ra những mâu thuẫn, chỗ yếu chí mạng của đối phương để từ đó khẳng định quân và dân ta hoàn toàn có khả năng thắng Mỹ. Những phân tích, nhận định, đánh giá của đồng chí đã cung cấp cơ sở khoa học để Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III đề ra Nghị quyết Trung ương lần thứ 11 (12/1965) hoàn chỉnh đường lối, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Cũng trong thời gian này, từ thực tiễn chiến đấu, sáng tạo của các đơn vị, địa phương, đồng chí đã nghiên cứu và tổng kết thành các phương châm chỉ đạo tác chiến độc đáo như: “nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”, “cứ đánh Mỹ khắc tìm ra cách đánh hay”, qua đó mà hình thành nên các “vành đai diệt Mỹ”…
Nhìn lại quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, chúng ta thấy đồng chí liên tục có mặt ở những mặt trận khó khăn nhất, trong những thời điểm cực kỳ nóng bỏng, đầy thử thách quyết liệt, với nhiều cương vị và trọng trách quan trọng. Ở đâu đồng chí cũng kiên trì vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, kiên trung bất khuất trước kẻ thù, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đem hết sức mình cống hiến cho Đảng, cho nhân dân, cho Tổ quốc và để lại dấu ấn sâu sắc, tạo ra bước phát triển mới cho phong trào cách mạng.
Lời nói của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có sức thuyết phục cao vì bản thân đồng chí sống trong sáng, giản dị, khiêm tốn, đoàn kết, chân thành. Bác Hồ đã nhận xét: “Chú Thanh là người trung thực, gan góc và kiên quyết”.
Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú cùng những cống hiến xuất sắc về lý luận và thực tiễn của đồng chí Nguyễn Chí Thanh là một di sản tinh thần quí báu trong lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam. Nghiên cứu và lưu lại những di sản vô giá đó cho các thế hệ mai sau là một việc làm cần thiết mang nhiều ý nghĩa.
Trung tướng Mai Quang Phấn (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm TCCT)