Đóng góp vào dự thảo “Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 4 - 11/1/2022, các đại biểu Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng đều đồng tình, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tác động nặng nề đến sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Do đó, 5 nhóm giải pháp Chính phủ đề xuất sẽ giúp những trường hợp đang gặp khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp có sự tiếp sức để vượt qua giai đoạn này, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và trật tự an toàn xã hội.
Đóng góp cụ thể hơn về dự thảo, đại biểu Lã Thanh Tân, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách, Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng cho biết: Trong các giải pháp của dự thảo Nghị quyết có đề cập đến nội dung “chi đầu tư phát triển tối đa 176 nghìn tỷ đồng, bao gồm xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng”.
Đại biểu hoàn toàn nhất trí với nội dung này. Tuy nhiên, trong phần quan điểm, mục tiêu của dự thảo lại chưa đề cập đến sự cần thiết của việc nâng cao năng lực y tế cơ sở và y tế dự phòng. Do đó, cần bổ sung nội dung này, coi y tế là một phần không thể tách rời trong việc đảm bảo mục tiêu kép về phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
Cũng theo đại biểu Lã Thanh Tân, thời gian qua, doanh nghiệp vẫn còn gặp khó trong tiếp cận các nguồn hỗ trợ của Nhà nước. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục rà soát, đánh giá lại việc hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp tiếp cận các loại hình hỗ trợ thuận lợi nhất.
Về giải pháp sử dụng tiền tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 để hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động, đại biểu Tống Văn Băng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng cho biết, theo đề xuất, hiện chỉ người lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất phải thuê nhà trọ mới được hỗ trợ khoản tiền này. Để đảm bảo công bằng, việc hỗ trợ cần dành cho cả người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất.
Theo đại biểu Tống Văn Băng, chỉ tính riêng tại Hải Phòng đã có khoảng 100.000 lao động nhập cư, trong đó 2/3 làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, số còn lại đang làm việc tại các doanh nghiệp bên ngoài. Nếu việc hỗ trợ chỉ dừng lại ở nhóm doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, sẽ có khoảng 30.000 lao động nhập cư không được hưởng ưu đãi.
Ngoài ra, trong chính sách tài khóa hỗ trợ người lao động cũng tính đến phương án hỗ trợ bố trí nguồn ngân sách để hỗ trợ người lao động mua nhà ở xã hội, thuê nhà trọ. Đối với phương án này, cần cân nhắc thêm việc hỗ trợ vốn để các chủ nhà trọ có đủ điều kiện về đất đai song chưa có vốn xây nhà trọ đảm bảo tiêu chuẩn cho người lao động.
Quan tâm đến Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Luật sư Phạm Hồng Điệp cho rằng đây là một kỳ họp đổi mới trong phương thức hoạt động Quốc hội, không dập khuôn máy móc theo nguyên tắc cũ mà Quốc hội họp để đưa ra ngay quyết sách cho phát triển kinh tế - xã hội khi thấy cần thiết và điều chỉnh kịp thời các Luật với những điểm chưa phù hợp sau một quá trình thực hiện, đó là tính kịp thời, nhất là sau các cuộc thanh kiểm tra đã đúc kết để nhận ra khiếm khuyết của Luật và tính cấp thiết của phát triển kinh tế - xã hội.
Quốc hội xem xét thông qua một loạt các Luật hỗ trợ cho phát triển kinh tế - xã hội như: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Đây là những luật có ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần tiết giảm được thủ tục hành chính, có thể tích hợp đồng bộ các điều luật tạo thành một chính sách thống nhất, dễ hiểu, dễ áp dụng, minh bạch, giúp Chính phủ, chính quyền có hành lang pháp lý ổn định, ban hành các thủ tục đơn giản để áp dụng, điều hành nền kinh tế năng động, hiệu quả nhất.