Sáng 29/11, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã chính thức thông qua Luật đất đai (sửa đổi). Bên lề kỳ họp, các đại biểu Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng), Đào Trọng Thi (đoàn TP Hà Nội), Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Vĩnh Phúc) đã trao đổi với phóng viên xung quanh đạo luật có tầm quan trọng rộng lớn này. Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Ngọc Bảo phát biểu ý kiến. Ảnh: Dương Giang - TTXVN
|
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng) nhận xét, Luật Đất đai (sửa đổi) là một bước cụ thể hóa bản Hiến pháp (sửa đổi), nhất ở các điều 53, 54 quy định về chế độ sở hữu đất đai. Đặc biệt, Luật đất đai (sửa đổi) đã bổ sung thêm hai chương hoàn toàn mới là quản lý nhà nước về đất đai và hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai. Đại biểu hy vọng, sau khi Luật đất đai chính thức đi vào cuộc sống sẽ giải quyết được những vướng mắc, tồn tại trong việc giải quyết vấn đề đất đai ở cơ sở.
Đại biểu Đào Trọng Thi (đoàn TP.Hà Nội) đánh giá, Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sáng nay đã được chuẩn bị công phu từ sự đóng góp của cử tri và đông đảo các đại biểu Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, Luật đất đai (sửa đổi) thông qua sáng nay (29/11) đã thể hiện được ý chí, nguyện vọng của đông đảo cử tri trong cả nước. Luật đất đai (sửa đổi) đã bảo đảm được quyền lợi của người dân cũng như sự phát triển chung của đất nước. Cũng theo đại biểu, để Luật đất đai thực sự đi vào cuộc sống thì cần phải có nghị định, hướng dẫn cụ thể và quan trọng nhất là phải phổ biến những chính sách của Luật đến người dân.
Theo đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị), Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này phù hợp với chế định về đất đai được quy định trong Hiến pháp (sửa đổi). Quan tâm đến cơ chế thu hồi đất quy định tại Luật Đất đai (sửa đổi), Đại biểu Lê Như Tiến cho rằng, cơ chế thu hồi đất đối với các dự án phát triển kinh tế- xã hội được quy định trong Luật lần này cụ thể hơn và khẳng định không phải bất kỳ dự án kinh tế- xã hội nào cũng thu hồi đất.
Quy định này, đã khắc phục được tình trạng lạm dụng, tùy tiện trong thu hồi đất thời gian vừa qua, gây thiệt thòi lớn cho người dân có đất bị thu hồi. Từ đó, hạn chế tình trạng tham nhũng, “đi đêm” giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư với một số cán bộ cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất phục vụ lợi ích công cộng, đó là các dự án được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Luật Đất đai (sửa đổi) đã bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và lợi ích của nhân dân khi thu hồi đất, đại biểu Lê Như Tiến khẳng định.
Về cơ chế xác định giá đất, đại biểu Lê Như Tiến cho rằng, cơ chế đền bù giá đất không phù hợp là nguyên nhân chính gây nên tình trạng khiếu kiện kéo dài thời gian qua, gây bức xúc trong nhân dân. Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua đã nêu rõ thu hồi đất phải gắn với đền bù thỏa đáng cho người dân mất đất, đảm bảo người dân có chỗ tái định cư, ổn định đời sống. Đại biểu Lê Như Tiến cho rằng, sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, Chính phủ cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để cụ thể hóa cơ chế xác định giá đất, đảm bảo giá đất đền bù sát với giá thị trường, tránh thiệt thòi cho người dân có đất bị thu hồi.
Nguyễn Cường - Khiếu Tư