Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, toàn ngành Tư pháp đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch và các nhiệm vụ được giao thêm về tổng kết, đánh giá việc thực hiện một số nghị quyết, chỉ thị của Đảng; sơ kết thi hành Hiến pháp năm 2013…
Bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, Bộ Tư pháp được Chính phủ giao thực hiện 114 nhiệm vụ, đã hoàn thành 66 nhiệm vụ, đang tiếp tục thực hiện 48 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ quá hạn. Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật đạt nhiều kết quả tích cực. Trong 6 tháng, toàn ngành đã thẩm định hơn 2.800 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, riêng Bộ Tư pháp thẩm định 105 dự thảo. Các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra theo thẩm quyền gần 6.500 văn bản quy phạm pháp luật; qua kiểm tra, bước đầu phát hiện 122 văn bản trái nội dung, thẩm quyền; tập trung đôn đốc xử lý và đến nay đã xử lý 66/122 văn bản.
Đối với công tác thi hành án dân sự, về việc, đã thi hành xong 336.404 việc, đạt 60,24%; về tiền, đã thi hành xong gần 23.900 tỷ đồng, đạt 16,01%. Các vấn đề về hộ tịch, quốc tịch liên quan đến người di cư tự do từ các nước có chung đường biên giới về nước tiếp tục được Bộ Tư pháp, Bộ Công an và các địa phương quan tâm giải quyết. Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước giải quyết 2.773 hồ sơ quốc tịch; trả lời 597 trường hợp tra cứu, xác minh quốc tịch Việt Nam theo đề nghị của các cơ quan.
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác tư pháp 6 tháng đầu năm còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Một số ý kiến cho rằng, tình hình hoạt động của các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trong đó có hoạt động luật sư, công chứng, đấu giá tài sản… ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh thực hiện chủ trương cắt giảm các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp và bãi bỏ quy hoạch công chứng để phù hợp với Luật Quy hoạch. Quản lý Nhà nước về một số hoạt động bổ trợ tư pháp, nhất là luật sư tại một số địa phương còn lỏng lẻo.
Nhiều đại biểu chỉ rõ, trong xây dựng pháp luật, tình trạng xin lùi, rút hoặc bổ sung các dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn xảy ra. Tình trạng “nợ đọng” văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục hiệu quả. Việc xử lý văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền còn chậm. Đáng chú ý, tình trạng tồn đọng thông tin lý lịch tư pháp chưa được xử lý, cập nhật vào cơ sở dữ liệu, tiếp tục là thách thức lớn cho các cơ quan tư pháp Trung ương và địa phương...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đề nghị, thời gian tới các bộ, ngành cần lưu tâm hơn tới tiến độ và chất lượng hồ sơ dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao chất lượng tham mưu của đội ngũ pháp chế các bộ, ngành, đặc biệt là trong công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn các nhiệm vụ đã được xác định tại Nghị quyết 02 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, nhất là việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện, nâng xếp hạng chỉ số “Chi phí tuân thủ pháp luật” (Chỉ số B1).
Đối với lĩnh vực công chứng, Bộ trưởng nhấn mạnh trong bối cảnh bỏ quy hoạch công chứng, các đơn vị phải thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành, trong đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện sai phạm và chấn chỉnh tình trạng các văn phòng công chứng thành lập ồ ạt. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu phân loại kỹ các hồ sơ và phân định rõ trách nhiệm các cơ quan liên quan trong vấn đề hộ tịch, quốc tịch có yếu tố nước ngoài; xử lý tốt các thông tin trong cấp phiếu lý lịch tư pháp. Bộ trưởng cũng lưu ý, ngành Thi hành án dân sự cần thực hiện các giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao…