Băn khoăn về vấn đề quản lý biển số xe
Đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số xe ô tô thông qua đấu giá, các đại biểu Quốc hội cho rằng, nhu cầu sở hữu biển số đẹp là thực tế tồn tại lâu của người dân, thực tế có trường hợp biển số đẹp giá trị bằng cả chiếc xe.
Do đó, cần nghiên cứu kỹ vấn đề này nhằm đảm bảo công bằng, tương thích pháp luật và đảm bảo an ninh, trật tự. Với vấn đề đảm bảo công bằng, dự thảo quy định quyền sở hữu tài sản (biển số đẹp) nhưng trong vòng 12 tháng phải gắn với xe, không được cho, tặng, thừa kế biển số là không hợp lý. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị rút ngắn thời gian thí điểm, sau thời gian thí điểm có quy định chính thức hoặc sửa đổi để đảm bảo tương thích.
Cho ý kiến về thời hạn đăng ký xe, đại biểu nêu ý kiến, cần nghiên cứu quy định giảm bớt thời gian kể từ ngày trúng đấu giá đến khi phải gắn vào xe là 3 tháng hoặc 6 tháng thay vì quy định 12 tháng như dự thảo nhằm tránh tình trạng "đầu cơ biển số".
Phát biểu cung cấp thông tin tại thảo luận tổ, đại biểu Vũ Huy Khánh (Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh - cơ quan chủ trì thẩm tra dự thảo Nghị quyết) nhấn mạnh, nhu cầu sở hữu biển số theo ý muốn, “biển số đẹp” có từ rất lâu nhưng cơ sở pháp lý chưa chắc chắn. Do vậy, việc Chính phủ trình Quốc hội lần này nhằm thí điểm áp dụng chính thức trên toàn quốc.
Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 16 trước Kỳ họp thứ 4, nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý. Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với việc giới hạn thí điểm chỉ đấu giá đối với biển số ô tô nền trắng chữ đen trong kho biển số chưa được đăng ký, mà không thí điểm đấu giá đối với biển số xe ô tô nền vàng chữ đen, biển số xe mô tô, xe gắn máy. Việc giới hạn như vậy là phù hợp, sau thí điểm có thể nghiên cứu mở rộng nếu hiệu quả.
Một số ý kiến tại tổ cho thấy các đại biểu còn băn khoăn một số vấn đề chưa thực sự phù hợp, rõ ràng, có thể gây vướng khi triển khai việc này. Theo đó, dự thảo Nghị quyết quy định đấu giá trực tuyến trên phạm vi toàn quốc. Nhưng hiện tại, việc thực hiện cấp đăng ký, cấp biển số xe theo địa bàn các tỉnh, thành phố và quản lý phương tiện được triển khai theo địa bàn các địa phương. Đồng thời có những trường hợp khi chủ xe và xe chuyển sang địa bàn khác phải đăng ký lại.
Đại biểu băn khoăn vì mục tiêu của biển số xe để quản lý phương tiện mà giờ lại tách rời với phương tiện để như một tài sản có thể chuyển nhượng được, có thể chuyển từ xe nọ sang xe kia. Việc này sẽ rất phức tạp trong quản lý. Từ đó, đại biểu đề nghị, biển số xe trúng đấu giá vẫn gắn với phương tiện khi mua bán, chuyển nhượng, thừa kế xe đó. Khi nào hết vòng đời xe, biển số được thu hồi để đưa vào kho số đấu giá tiếp.
Xây dựng Luật Phòng thủ dân sự đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đã trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng thủ dân sự. Theo đó, công tác phòng thủ dân sự đã từng bước được hoàn thiện cả về thể chế và tổ chức thực hiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, góp phần to lớn vào việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, tạo môi trường ổn định phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh những kết quả đạt được còn một số vấn đề đặt ra, cần phải luật hóa để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thực tiễn.
Việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự là rất cần thiết nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho việc chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước khi có tình huống xảy ra.
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng thủ dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết: Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự với các căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn như đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ; đồng thời cho rằng, việc xây dựng luật sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện các hoạt động phòng thủ dân sự, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.
Bạo lực gia đình là vấn đề nhức nhối
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này, hầu hết các đại biểu nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã triển khai dự án Luật một cách chủ động, tích cực theo hướng tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu, cử tri…
Các đại biểu cho rằng, bạo lực gia đình là vấn đề nhức nhối. Thời gian qua, xuất hiện nhiều hành vi bạo lực gia đình, xâm phạm nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm… của các thành viên gia đình, gây bất bình trong xã hội. Để hoàn thành dự thảo Luật, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống bạo lực gia đình, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung một số hành vi bạo lực gia đình như ngăn cản, ép buộc thành viên gia đình thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; cản trở việc khiếu nại, tố cáo, thực hiện quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin…
Một số đại biểu đề nghị dự thảo luật nên quy định thêm nội dung: Người có hành vi bạo lực gia đình phải có mặt tại trụ sở Công an xã trong thời hạn 12 giờ tính từ lúc nhận được yêu cầu của Công an xã để đảm bảo tính kịp thời trong giải quyết vụ việc bạo lực gia đình, tránh việc người có hành vi bạo lực gia đình chây ì, kéo dài thời gian.
Về quy định việc miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản đối với người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, đại biểu cho rằng, trong thực tế, hành vi bạo lực gia đình đôi khi không chỉ đe dọa đến tính mạng của người bị bạo lực gia đình mà còn đe dọa tính mạng của những người xung quanh hay chính người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình. Đại biểu đề nghị sửa nội dung Khoản 1 Điều 34 theo hướng: Người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình không phải bồi thường thiệt hại tài sản liên quan đến người có hành vi bạo lực gia đình trong trường hợp hành vi bạo lực gia đình đe dọa đến tính mạng con người.
Các đại biểu Quốc hội cho ý kiến một số nội dung liên quan đến hành vi bạo lực gia đình (Điều 3); yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình (Điều 24); về biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Tòa án và giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc (Điều 25, 26 và Điều 27); góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư đối với người có hành vi bạo lực gia đình (Điều 32); về việc bổ sung biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” (Điều 33).