Thể chế hóa quy định về lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý
Theo Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật trong bối cảnh các năm gần đây Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung một số luật có nội dung liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn trong quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần khắc phục kịp thời.
Do đó, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 5 theo trình tự, thủ tục rút gọn để thay thế Nghị quyết số 85/2014/QH13 là rất cần thiết nhằm kịp thời triển khai công tác lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và kỳ họp cuối năm 2023 của Hội đồng nhân dân các cấp.
Trước đó, vào chiều 30/5, Quốc hội đã thảo luận tổ về dự thảo nghị quyết này. Đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết, trình tự, thủ tục ban hành, các nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết, việc ngưng hiệu lực thi hành của các luật và việc sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết về tổ chức mô hình chính quyền đô thị như Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội đã có ý kiến về một số nội dung cụ thể.
Trên cơ sở ý kiến thảo luận tổ của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ban Công tác đại biểu - Cơ quan chủ trì soạn thảo, phối hợp với Ủy ban Pháp luật là cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan hữu quan nghiên cứu có báo cáo dự kiến các nội dung tiếp thu, giải trình, ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết.
Làm rõ sự khác nhau giữa hai hình thức lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu tiếp tục khẳng định sự cần thiết ban hành Nghị quyết; đồng thời đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời thể chế hóa đường lối của Đảng, bảo đảm đồng bộ đường lối chủ trương của Đảng với pháp luật của Nhà nước, ghi nhận dự thảo Nghị quyết có nhiều thay đổi tiến bộ, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
Nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đóng góp một số ý kiến liên quan, trong đó có nội dung về nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Theo đại biểu, dự thảo Nghị quyết có quy định kết quả lấy phiếu tín nhiệm được báo cáo cấp có thẩm quyền và được công khai theo quy định nhưng không nhắc đến việc công khai kết quả bỏ phiếu tín nhiệm. Do đó, đại biểu Việt Nga đề nghị rà soát, bổ sung thêm nguyên tắc công khai đối với hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm nhằm đảm bảo tính thống nhất về mặt nguyên tắc đối với hai hoạt động này, đảm bảo tính minh bạch của hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm.
Quan tâm tới việc làm rõ khái niệm về lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đề nghị xem xét lại việc sửa đổi khái niệm lấy phiếu tín nhiệm tại Khoản 1, Điều 3, trong đó bổ sung mục đích về lấy phiếu tín nhiệm là cơ sở xem xét, đánh giá cán bộ, đưa ra khỏi quy hoạch, thực hiện quy trình, thủ tục cho từ chức và bỏ phiếu tín nhiệm, miễn nhiệm, bố trí công tác khác thấp hơn.
"Với việc sửa đổi như vậy, chúng ta sẽ không làm rõ sự khác nhau cơ bản giữa hai hình thức lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm... Đây là hai hoạt động có quan hệ chặt chẽ với nhau, hoạt động sau là hệ quả của hoạt động trước, nhưng mỗi hoạt động lại có tính chất hoàn toàn khác nhau về ý nghĩa, tính chất chính trị và pháp lý", đại biểu tỉnh Quảng Bình phân tích.
Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, lấy phiếu tín nhiệm là hoạt động có tính chất định kỳ, tiến hành thường xuyên trong nhiệm kỳ; lấy phiếu đối với tất cả các chủ thể được Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, trừ một vài trường hợp. Bỏ phiếu tín nhiệm giống như một hình thức chế tài trước các chủ thể có hạn chế, yếu kém.
"Ở nhiều nước trên thế giới, người ta gọi đó là bỏ phiếu bất tín nhiệm. Đây là hệ quả của phiếu tín nhiệm thấp qua lấy phiếu tín nhiệm, hoặc khi có đề nghị của các chủ thể khác do luật quy định. Vì vậy, mục đích của lấy phiếu tín nhiệm được quy định trong khái niệm lấy phiếu tín nhiệm là: để làm cơ sở xem xét, đánh giá cán bộ, đưa ra khỏi quy hoạch, thực hiện quy trình thủ tục cho từ chức hoặc bỏ phiếu tín nhiệm, miễn nhiệm và bố trí công tác khác thấp hơn... sẽ không đầy đủ và chính xác, không bao hàm hết ý nghĩa của việc lấy phiếu tín nhiệm, không làm rõ nội dung khác nhau giữa lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm", đại biểu làm rõ thêm.
Từ những phân tích này, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị chỉ quy định mục đích lấy phiếu tín nhiệm làm cơ sở xem xét, đánh giá cán bộ như nghị quyết hiện hành hoặc phải sửa đổi khái niệm này theo hướng bổ sung thêm các mục đích khác của việc lấy phiếu tín nhiệm như làm cơ sở của việc khen thưởng, đề bạt, đưa vào quy hoạch...
Quy định phù hợp về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm
Thay mặt Ban soạn thảo, tại phiên họp, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã tham gia giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Cảm ơn các đại biểu đã đưa ra những ý kiến thể hiện sự quan tâm sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm cao, bà Nguyễn Thị Thanh thông tin cụ thể hơn về việc xem xét khái niệm lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm, cũng như phạm vi, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm.
Bà Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm khác nhau ở chỗ là bỏ phiếu tín nhiệm chính là hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm. Về việc phân biệt giữa khái niệm lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm một cách rõ ràng hơn, bà Thanh khẳng định, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội để làm rõ hơn mức độ, nội dung, nội hàm của hai khái niệm này.
Về phạm vi đối tượng lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, bà Thanh cho hay, qua 3 lần lấy phiếu đã cho thấy tính hợp lý, trọng tâm, trọng điểm của những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn trong bộ máy nhà nước. Việc quy định đối tượng lấy phiếu tín nhiệm trong dự thảo Nghị quyết có sự kế thừa từ các nghị quyết có liên quan trước đó và ổn định từ đó đến nay. "Các đối tượng như vậy là phù hợp", bà Nguyễn Thị Thanh khẳng định.
Về một số nội dung cụ thể liên quan đến văn phong và chi tiết ở các quy định của dự thảo Nghị quyết, bà Nguyễn Thị Thanh cho biết Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu tối đa, trên cơ sở đó phối hợp với Ủy ban Pháp luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nội dung chỉnh lý dự thảo Nghị quyết.