Mặt đường ở thôn 10 và thôn 11, xã Nâm N’Jang đã được san lấp sau mưa nhưng việc đi lại vẫn rất khó khăn. Ảnh: Anh Dũng/TTXVN |
Kết luận thanh tra số 01/KL – UBND, ngày 25/3 của UBND huyện Đắk Song “Thanh tra việc quản lý, sử dụng nguồn vốn huy động đóng góp của nhân dân để xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Nâm N’Jang” đã khẳng định thông tin trên.
Theo kết luận, ngày 31/10/2012, UBND xã Nâm N’Jang ban hành Quyết định số 95/QĐ – UBND “V/v phê duyệt báo cáo kỹ thuật xây dựng”, công trình đường giao thông thôn 10. Công trình có tổng chiều dài 1.300m, đường giao thông nông thôn loại B, nền móng mặt đường bằng xi măng. Tổng mức đầu tư của đoạn đường này là hơn 1,8 tỷ đồng; trong đó, nhà nước hỗ trợ 65% giá trị xây lắp (khoảng 1,05 tỷ đồng) còn lại là huy động từ sức dân.
Tương tự, UBND xã Nâm N’Jang cũng có quyết định phê duyệt báo cáo kỹ thuật xây dựng”, công trình đường giao thông thôn 11. Đoạn đường có chiều dài 900 m, với tổng mức đầu tư hơn 1,6 tỷ đồng; trong đó, tiền dân phải đóng góp đối ứng trên 5 triệu đồng.
Sau đó, Ban tự quản các thôn đã huy động sự đóng góp của nhân dân và nộp tiền về cho UBND xã Nâm N’Jang, với tổng số tiền hơn 450 triệu đồng; trong đó, thôn 10 gần 354 triệu đồng và thôn 11 là 100 triệu đồng.
Tiền đối ứng làm đường đã nộp về cho xã từ năm 2014, thế nhưng đến nay mọi việc vẫn “án binh bất động”. Nguyên nhân là phần vốn ngân sách nhà nước chưa bổ sung và phân khai vốn để làm đường giao thông nông thôn thôn 10 và 11 nên UBND xã Nâm N’Jang chưa thể triển khai.
Tuy nhiên, điều đáng nói là số tiền nhân dân đóng góp để làm đường đã bị xã Nâm N’Jang sử dụng không đúng quy định. Trước hết, số tiền thôn 10 nộp về cho UBND xã vào khoảng giữa năm 2014 nhưng mãi đến ngày 24/12/2015 bà Nguyễn Thị Như Hương - Kế toán của xã, mới nộp gần 270 triệu đồng vào tài khoản tiền gửi của xã lập tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk Song.
Kết luận thanh tra nêu rõ, UBND xã Nâm N’Jang hướng dẫn thực hiện huy động đóng góp của nhân dân từ các thôn nhưng không nộp tiền vào tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước theo quy định hiện hành là không đúng quy định.
Một sai phạm nghiêm trọng khác của UBND xã Nâm N’Jang là thanh toán tiền thi công trước khi ký hợp đồng xây dựng. Cụ thể, ngày 21/5/2014, UBND xã nộp số tiền 100 triệu đồng vào tài khoản tiền gửi của kho bạc Nhà nước Đắk Song (do nhân dân thôn 11 đóng góp đợt đầu).
Tuy nhiên, cùng ngày xã Nâm N’Jang lại tạm ứng cho Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Vạn Tín Phát (địa chỉ 73, Nguyễn Lương Bằng, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) số tiền 100 triệu đồng.
Cũng trong ngày hôm đó, UBND xã nộp số tiền 102,5 triệu đồng vào tài khoản tiền gửi của kho bạc Nhà nước Đắk Song (do nhân dân thôn 10 đóng góp đợt đầu) và làm thủ tục ứng luôn cho Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Vạn Tín Phát 100 triệu đồng. Trong khi đó, đến 4/6/2014, xã mới ký hợp đồng xây dựng với công ty này.
Tiếp đó, bà Nguyễn Thị Như Hương còn cho đơn vị này ứng tiền mặt thêm 2 lần với tổng số tiền là 25 triệu đồng. Như vậy, xã Nâm N’Jang đã “ngẫu hứng” cho ứng tiền của dân mà chưa có hợp đồng xây dựng.
Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Vạn Tín Phát đã nhận 225 triệu đồng của người dân 2 thôn mà chưa làm một mét đường nào. Việc xã cho đơn vị thi công ứng trực tiếp tiền mặt và cho ứng tiền khi chưa có hợp đồng xây dựng cũng là không đúng với quy định hiện hành.
Kết luận đã nêu rõ, để xảy ra các sai phạm nêu trên là do công tác quản lý tài chính tại đơn vị còn lỏng lẻo, lợi dụng sự kiểm tra không thường xuyên của các cơ quan chức năng. Trách nhiệm trước tiên thuộc về Chủ tịch UBND xã, kế toán và một số cán bộ, công chức có liên quan.
UBND huyện Đắk Song đã giao cho Phòng Nội vụ tham mưu cho UBND huyện xem xét trách nhiệm và áp dụng hình thức kỷ luật theo quy định đối với đơn vị, cá nhân liên quan đến sai phạm trên.