Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu ý kiến. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN |
Ngày 5/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cùng đoàn công tác của thành phố đã về làm việc với huyện Đan Phượng (Hà Nội).
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá: Diện mạo nông thôn của huyện Đan Phượng đã có sự đổi mới nhanh chóng và sâu sắc. Với sự chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo của Huyện ủy, Đan Phượng đã phát huy tốt nội lực, vượt qua khó khăn, vươn lên nhanh chóng trở thành huyện đầu tiên của Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới. Các cụm điểm công nghiệp, làng nghề được đầu tư, quản lý, tiếp tục được quy hoạch mở rộng như ở làng nghề Liên Hà, Liên Trung. Thương mại, dịch vụ ở địa phương phát triển phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Để được kết quả này huyện đã có sự quyết tâm rất cao và toàn hệ thống vào cuộc khá đồng bộ.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, huyện Đan Phượng vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm, đó là: Chưa khai thác, phát huy hết tiềm năng, lợi thế của để đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa như kỳ vọng; tiến độ thực hiện một số dự án thương mại, dịch vụ, nông nghiệp còn chậm; sức cạnh tranh, thương hiệu sản phẩm hàng hóa còn yếu; việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp diễn ra còn chậm; quản lý đất đai, tài nguyên môi trường, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cải cách hành chính… một số đơn vị (phòng, ban của huyện, một số xã) còn hạn chế.
Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ rõ, Đan Phượng nổi tiếng là một vùng đất cổ, “địa linh nhân kiệt”, một địa bàn chiến lược quan trọng của Thủ đô, nhân dân có truyền thống đoàn kết, hiếu học, lao động cần cù, sáng tạo; có bản sắc văn hóa, yêu nước và kiên cường cách mạng, nhiều đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô. Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đã được UBND Thành phố phê duyệt, Đan Phượng cần đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng; phát triển nông nghiệp ven đô, từng bước hình thành các khu đô thị mới, các trung tâm văn hóa, thương mại, tài chính… hạ tầng từng bước được kết nối với khu vực nội đô.
Để đáp ứng yêu cầu trên, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu huyện thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như phát huy tiềm năng, thế mạnh, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế. Trước hết, phát huy thế mạnh của huyện ven đô, có vùng đất bãi ven sông Hồng màu mỡ phù sa, có truyền thống thâm canh trình độ cao để đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp.
Rà soát, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp chuyên canh; tập trung triển khai thực hiện các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các vùng nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao để cung cấp cho thị trường Hà Nội như: vùng lúa chất lượng cao ở xã Song Phượng, Đan Phượng; vùng rau an toàn chuyên canh tập trung ở Phương Đình, Thọ An; vùng cây ăn quả tập trung ở Thượng Mỗ, Phương Đình; vùng hoa ứng dụng công nghệ cao ở Đồng Tháp, Hạ Mỗ, Đan Phượng, Song Phượng. Phát triển các vùng chăn nuôi lợn, bò sữa xa khu dân cư ở Trung Châu, Phương Đình. Huyện cần chủ động hơn trong việc phối hợp với các sở, ngành, các nhà khoa học để thực hiện tốt việc tập huấn; ứng dụng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Về phát triển công nghiệp, dịch vụ theo quy hoạch, huyện đã quy hoạch được 6 cụm công nghiệp, làng nghề, phát triển được hơn 500 doanh nghiệp. Tới đây, huyện cần tập trung chỉ đạo và huy động nguồn lực đẩy mạnh giải phóng mặt bằng để mở rộng điểm công nghiệp, làng nghề tại xã Liên Hà, Liên Trung, phát huy thế mạnh của vùng đất có nhiều làng nghề để tăng việc làm, thu nhập cho người dân. Huyện cần quan tâm khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển mạng lưới thương mại, dịch vụ, du lịch theo hướng hiện đại, văn minh. Huyện cũng cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, hình thành chuỗi liên kết, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.
Đặc biệt, huyện cần tiếp tục phấn đấu giữ vững là đơn vị dẫn đầu toàn thành phố về xây dựng nông thôn mới; phát huy kinh nghiệm và kết quả đạt được, tập trung chỉ đạo duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn; huy động mạnh nguồn lực đầu tư hoàn thành các tiêu chí chưa đạt, trong đó, ưu tiên cải tạo, nâng cấp, xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất như giao thông, thủy lợi nội đồng (đường trục chính, kênh mương, kè, cống…). Huyện cũng cần coi trọng chỉ đạo việc giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí “động”, liên quan đến chất lượng cuộc sống của nhân dân như: Thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, y tế, văn hóa, môi trường, an ninh - trật tự.
Để huyện Đan Phượng phát triển bền vững, đúng hướng, có hệ thống hạ tầng từng bước được hoàn thiện và kết nối đồng bộ với khu vực nội đô, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, xử lý kiên quyết những vi phạm về quy hoạch, lấn chiếm đất đai, sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch, vi phạm trật tự xây dựng; bảo đảm các quy hoạch chung, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phân khu, quy hoạch nông thôn mới các xã phải được thực hiện nghiêm; xử lý nghiêm các vi phạm gây tổn hại đến tài nguyên, môi trường; phát huy trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc quản lý nhà nước tại địa bàn cơ sở.
Báo cáo với Bí thư Thành ủy Hà Nội và đoàn công tác, Bí thư Huyện uỷ Đan Phượng cho biết, 6 tháng đầu năm nay kinh tế của huyện tiếp tục phát triển và có mức tăng trưởng khá (tăng 8,63 % so cùng kỳ); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng (7,17 % so cùng kỳ); thương mại - dịch vụ có mức tăng trưởng khá (12,05% so cùng kỳ). Tổng giá trị sản xuất mỗi năm đạt khoảng trên 5.000 tỷ đồng.
Huyện Đan Phượng đang tích cực chỉ đạo các cấp cơ sở tiếp tục phát huy thành quả là huyện đầu tiên của thành phố đạt tiêu chí nông thôn mới; không vì thế mà lơ là chủ quan, để tiếp tục phấn đấu phát triển mạnh ở giai đoạn mới.