Kỷ niệm 49 năm Hải quân Việt Nam đánh thắng trận đầu - Bài 1:

Đánh bại “Mũi tên xuyên” của địch

Cách đây 49 năm về trước, tàu khu trục Maddox của Mỹ ngang nhiên vi phạm chủ quyền vùng biển miền Bắc nước ta với âm mưu tiêu diệt toàn bộ tàu chiến của ta trong vòng một ngày. Nhưng bằng tình yêu Tổ quốc và lòng dũng cảm, những người lính Hải quân cùng quân dân miền Bắc đã đem tất cả tinh thần và nghị lực đánh đuổi tàu khu trục Maddox của Mỹ.

 

Bài 1: Đánh bại “Mũi tên xuyên” của địch

 

Sau "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ", Mỹ đã tiến hành kế hoạch "mũi tên xuyên", huy động tối đa lực lượng không quân hai biên đội tàu sân bay Constellation và Ticonderoga hòng tiêu diệt lực lượng hải quân Việt Nam trong ngày 5/8. Ngay sau đó, Mỹ ráo riết chuẩn bị triển khai nhiều phương tiện chiến tranh tối tân hiện đại hòng tiêu diệt các lực lượng của ta.

 

"Sự kiện Vịnh Bắc Bộ"


Đêm 31/7 rạng sáng 1/8/1964, tàu khu trục Maddox của Mỹ đã tiến lên phía Bắc, xâm phạm hải phận của Việt Nam. Có nơi tàu Maddox chỉ cách bờ 6 hải lý, vòng đi vòng lại nhiều lần để quan sát thăm dò.


 

Tàu khu trục Maddox của Mỹ xâm phạm lãnh hải Việt Nam.

Trước hành động của địch, Bộ Tư lệnh hải quân đã giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 135 tiến hành lắp ngư lôi cho Phân đội 3 (gồm 3 tàu 333, 336, 339) và bí mật khẩn trương chuẩn bị, đảm bảo mọi mặt sẵn sàng hành tiến từ Vạn Hòa (Quảng Ninh) vào Hòn Nẹ (Thanh Hóa) để phục kích, đón đánh tàu khu trục Maddox.


Đại tá Đinh Công Khởi, Nguyên Lữ đoàn phó chính trị Lữ đoàn 171- đơn vị tiền thân của Phân đội 3 cho biết: “Rạng sáng ngày 2/8, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Phân đội 3 được lệnh rời cảng Vạn Hoa hành quân vào Hòn Nẹ. Tới Hòn Nẹ, anh em Phân đội 3 lại nhận lệnh hành quân ngay tới Hòn Mê. Khi tàu khu trục Maddox cách Hòn Mê 9 hải lý, Phân đội 3 được lệnh nhổ neo xuất kích, tăng tốc độ vượt lên trước tìm địch. Tàu Maddox phát hiện có ba tàu đốc độ cao đang tiếp cận. Lúc này tàu Madox đang ở phía đông Hòn Nẹ liền tăng tốc độ và chạy ra xa. Phân đội 3 bám sát, còn cách 6 hải lý, tàu Maddox đã dùng pháo lớn bắn tới tấp vào đội hình Phân đội”.


Chỉ huy trưởng Phân đội lệnh cho tàu 333 tăng tốc độ để chặn địch, tạo điều kiện thuận lợi để hai tàu 336 và 339 tấn công. Khi tiếp cận được góc mạn tàu địch 1100, cự ly 7-8 liên (10 liên = 1 hải lý), tàu 339 phóng ngư lôi tiêu diệt tàu địch và chuyển hướng rời khỏi khu vực tác chiến. Lúc này, trên không trung, 5 máy bay địch tập kích và bắn trúng khoang máy chính, tàu phải thả trôi vừa tập trung dập lửa, sửa hỏng hóc trên tàu, vừa chiến đấu đánh trả máy bay địch bằng súng 14,5 mm và súng trung liên. Sau khi tàu 339 phóng ngư lôi, tàu 336 tiếp tục tiếp cận mục tiêu và bất ngờ phóng ngư lôi rồi giảm tốc độ chuyển hướng rời khỏi khu vực tác chiến. Cùng lúc đó tàu 336 bị trúng đạn pháo. Thuyền trưởng Phạm Văn Tự trúng đạn hy sinh, thuyền phó Nguyễn Văn Chuẩn mặc dù bị thương vẫn chỉ huy điều khiển tàu. Tàu Maddox trúng đạn, một số trang thiết bị hư hỏng và phải rút chạy. Một máy bay Mỹ bị bắn cháy, một chiếc bị thương.


Ngay sau khi tàu khu trục Maddox của Mỹ bị bắn thương, Chính quyền Mỹ cho rằng, việc tàu Maddox bị đánh đuổi khỏi vùng biển Việt Nam là vi phạm luật hàng hải quốc tế. Chúng đã vu khống dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” để thừa cơ thực hiện kế hoạch “Mũi tên xuyên".


Phần thắng không thuộc về kẻ mạnh


Chiến dịch "Mũi tên xuyên" bắt đầu từ trưa 5/8/1964. Mỹ đã sử dụng lực lượng của 2 biên đội tàu sân bay Constellation và Ticonderoga gồm hơn 40 máy bay hiện đại bất ngờ tiến đánh hầu hết các căn cứ, khu trú đậu và các tàu hải quân Việt Nam đang hoạt động độc lập trên suốt dải bờ biển và vùng biển miền Bắc từ sông Gianh, Cửa Hội đến Lạch Trường, Bãi Cháy.


Đại tá anh hùng lực lượng vũ trang Hoàng Kim Nông, nguyên là chiến sĩ pháo thủ trên tàu 187 trong trận đánh đuổi tàu khu trục của Mỹ hồi tưởng: “Lúc đó, Mỹ điên cuồng không chỉ bắn phá nhiều mục tiêu quan trọng của ta, mà chúng thả bom vu vơ dạng ngụy binh trúng đâu thì trúng với mục đích “Bắn nhầm còn hơn bỏ sót”, bất chấp luật nhân đạo quốc tế, thậm chí ném bom cả vào khu dân thường. Mục đích của chúng là trả thù sau khi tàu khu trục Maddox bị quân ta bắn trúng thương, chứ thực chất nhiều địa điểm trúng bom trước đó chúng cũng không biết đó là mục tiêu gì”.


Ngày 5/8/1964, miền Trung nắng như đổ lửa, những chiếc phản lực tiêm kích, cường kích từ hàng không mẫu hạm, khu trục hạm của địch ào vào, hy vọng sẽ đè bẹp lực lượng phòng không miền Bắc, hủy diệt các căn cứ hải quân của ta. Nhưng quân dân miền Bắc đã trong tư thế sẵn sàng đón đánh máy bay địch. Thế trận hiệp đồng giữa các trận địa pháo cao xạ, công an vũ trang (nay là bộ đội biên phòng), dân quân tự vệ và những con tàu hải quân trên mặt nước giăng thành lưới bủa vây lũ cướp trời. Cũng với thủ đoạn nghi binh, tám chiếc máy bay chia làm nhiều tốp bay rà sát mặt biển đến ngang đảo đèn Long Châu mới bất thần vọt lên cao, rồi bất ngờ lao thẳng vào mục tiêu bắn phá. Biển trời Hạ Long như xé toạc. Bộ đội Hải quân trên các tàu, dưới mặt đất đồng loạt nhả đạn. Trên những con tàu Hải quân ngày ấy, các chiến sĩ mặc áo hải quân quyết chiến đến cùng. Cả bầu trời vùng mỏ từ Bãi Cháy, Hạ Long, núi Bài Thơ tới Hà Lầm, Hà Tu… dày đặc những đám khói trắng của lưới lửa phòng không. Dưới mặt vịnh, những con tàu hải quân xé sóng lao đi, nòng pháo hạm mãnh liệt nhả đạn vào máy bay địch.


Tại Cửa Hội (Nghệ An), địch sử dụng 8 máy bay Mỹ lao vào ném bom, các tàu của Phân đội 5 và Phân đội 7 đã báo động kịp thời, nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu phối hợp với các lực lượng phòng không đánh trả địch. Tại Cửa Ròn và Cảng Gianh, tàu đo đạc 527 và Tàu 181, Tàu 183 (Phân đội 7); Tàu 173, Tàu 175, Tàu 177 (Phân đội 6) phối hợp với lực lượng phòng không, dân quân tự vệ địa phương anh dũng đánh trả các đợt không kích của địch, bắn cháy 1 máy bay Mỹ và bắn bị thương 1 chiếc khác. Tại vùng biển Lạch Trường (Thanh Hoá), hai Tàu phóng lôi 333, 336 phối hợp với lực lượng phòng không nhân dân bắn rơi một máy bay, bắn bị thương hai chiếc khác. Tại vùng biển Hòn Gai, Bãi Cháy, các tàu 122, 124, 134, 144 thuộc Khu Tuần Phòng 1 và Căn cứ Hải quân Bãi Cháy phối hợp với Tiểu đoàn phòng không 217 bắn rơi hai máy bay Mỹ, bắt sống tên giặc lái Trung úy I. Anvơret


Đại tá Hoàng Kim Nông nhớ lại: “Cuộc chiến đấu giữa ta và địch cách biệt về vũ khí đạn dược, nhưng vì có tinh thần dũng cảm, nhờ có thao tài mưu lược nên ta đã đánh thắng địch. Trong chiến đấu, phần thắng không hẳn đã thuộc về kẻ mạnh mà phụ thuộc vào mưu lược chiến thuật, đó là nghệ thuật chiến tranh của Việt Nam”.


Mai Thắng

Bài 2: “Quyết chiến đến cùng”

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN