Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc:

Đánh giá cao năng lực của Việt Nam trong tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ

Năm 2021 đánh dấu nhiều kết quả nổi bật của Việt Nam khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ), đồng thời Việt Nam cũng chính thức kết thúc nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ vào ngày 31/12/2021.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Phó Tổng Thư ký LHQ Jean-Pierre Lacroix về những thách thức mới nổi mà lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ đang phải đối mặt và những đánh giá của ông về sự tham gia của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Chú thích ảnh
Các chiến sỹ Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 xuất phát đợt 2, trước khi lên máy bay sang Nam Sudan nhận nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Ảnh tư liệu: Xuân Khu/TTXVN

Xin Phó Tổng Thư ký cho biết năm qua, lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ đã đóng góp như thế nào vào công cuộc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế trong bối cảnh thế giới nổ ra rất nhiều cuộc xung đột và khủng hoảng chính trị? 

Tôi tin rằng lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2021 mặc dù thực sự đây là một năm khó khăn. Chúng tôi vừa cơ cấu lại lực lượng vừa đối mặt với đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, những chiến sĩ gìn giữ hòa bình của chúng tôi vẫn tiếp tục nỗ lực thực thi nhiệm vụ để đảm bảo các lệnh ngừng bắn được tuân thủ nghiêm túc ở các nơi thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được, đồng thời hỗ trợ nhân đạo và cứu giúp cho hàng triệu người dân ở khắp nơi. Hiện chúng tôi rất muốn làm nhiệm vụ ở những điểm nóng mới, nhưng chúng tôi cần có sự ủng hộ của các nước thành viên LHQ, đặc biệt là các nước ủy viên HĐBA. 

Theo ông, lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ hiện đang đối mặt với những thách thức gì và có nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của HĐBA để thực thi nhiệm vụ và giải quyết các thách thức hay không?

Một trong những thách thức lớn nhất mà lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ hiện nay đối mặt chính là các nước trong cộng đồng quốc tế còn thiếu sự đoàn kết để cùng nhau hành động. HĐBA còn thiếu đoàn kết để ra được các nghị quyết cần thiết và đây thực sự là trở ngại lớn vì nhiệm vụ của lực lượng gìn giữ hòa bình là thực thi các nghị quyết của HĐBA và chúng tôi chỉ có thể thưc hiện được nhiệm vụ khi có được sự ủng hộ của các nước thành viên LHQ. Khi thiếu vắng sự đoàn kết, nhất trí thì lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ cũng không thể làm được nhiệm vụ đã được giao phó. Thách thức thứ hai là hầu hết các phái bộ gìn giữ hòa bình của chúng tôi đang phải làm nhiệm vụ ở những nước mà tình hình xung đột an ninh và chính trị ngày càng tồi tệ và môi trường nơi các binh sĩ gìn giữ hòa bình đang làm nhiệm vụ ngày càng trở nên nguy hiểm hơn.

Ông đánh giá như thế nào về nỗ lực và đóng góp của Việt Nam đối với các hoạt động xây dựng hòa bình và an ninh tại LHQ, đặc biệt trong hai năm qua khi Việt Nam đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA?

Do những thách thức ngày càng gia tăng, đòi hỏi năng lực của lực lượng gìn giữ hòa bình phải tinh nhuệ hơn, đáp ứng những công việc mang tính cụ thể hơn và chính vì vậy tôi đánh giá rất cao việc Việt Nam đã tham gia cung cấp bệnh viện dã chiến cấp 2 ở Nam Sudan. Đây chính là năng lực mà LHQ cần có, cần các nước thành viên LHQ đóng góp, đặc biệt ở những khu vực xung đột nguy hiểm. Với sự có mặt của các bệnh viện dã chiến như vậy, các binh sĩ gìn giữ hòa bình có thể yên tâm làm nhiệm vụ, yên tâm rằng họ được cứu chữa khi gặp nạn và cảm thấy được chăm lo, bảo vệ. Sắp tới chúng tôi sẽ hợp tác với Việt Nam để triển khai Đơn vị công binh số 1 đến Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ tại khu vực Abyei - khu vực có tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan (phái bộ UNISFA). Đây là lĩnh vực cũng hết sức quan trọng đối với LHQ vì lực lượng gìn giữ hòa bình cần phản ứng nhanh và cơ động, mà muốn đạt được những tiêu chí đó thì chúng tôi cần có lực lượng công binh tốt, cơ sở hạ tầng tốt, khả năng xây dựng và sửa chữa thật nhanh. Tôi tin rằng Việt Nam hiểu rõ những ưu tiên của lực lượng gìn giữ hòa bình và Việt Nam sẽ đáp ứng được những tiêu chí ưu tiên mà LHQ đòi hỏi đối với lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình. Tôi đánh giá rất cao sự hợp tác của Việt Nam với LHQ trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình kể từ khi Việt Nam  tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình vào năm 2014 cũng như những nỗ lực của Việt Nam trong suốt năm 2021 vừa qua.

Việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình đã nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Vậy theo ông, Việt Nam cần chuẩn bị những gì để có thể tham gia vào những nhiệm vụ đòi hỏi nhiều năng lực hơn nữa trong tương lai?

Chúng tôi rất hy vọng sẽ tiếp tục hợp tác nhiều hơn nữa với Việt Nam vì chúng tôi đánh giá các bạn có đủ năng lực, nhất là sau khi đã chứng kiến Việt Nam cử nhiều đợt quân tham gia bệnh viện dã chiến cấp 2 và sẽ cử đội công binh tham gia gìn giữ hòa bình. Tôi cũng thấy là Việt Nam rất chú trọng đảm bảo tỷ lệ nữ binh sĩ tham gia. Nếu tôi nhớ không nhầm thì Việt Nam có tới 15% chiến sĩ nữ tham gia gìn giữ hòa bình và chúng tôi rất coi trọng nỗ lực này vì chúng tôi tin rằng nếu lực lượng có thêm nhiều chiến sĩ nữ thì hoạt động sẽ càng hiệu quả hơn.

Mặt khác, chúng tôi cũng rất cần năng lực của các nước trong việc bảo vệ chính lực lượng gìn giữ hòa bình khi bị tấn công, khi gặp phải các bãi bom mìn, đồng thời chúng tôi cũng rất cần các chiến sĩ tham gia có khả năng thu thập, phân tích thông tin tốt, phản ứng nhanh với tình huống xảy ra, di chuyển nhanh để hỗ trợ hiệu quả cho dân thường trong các cuộc xung đột. Đây là những lĩnh vực tối quan trọng đối với công tác gìn giữ hòa bình quốc tế và đây cũng là những lĩnh vực tiềm năng mà chúng tôi tìm kiếm sự hợp tác từ các nước thành viên LHQ như Việt Nam.
 
Theo ông, đâu là thách thức mà lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ sẽ phải đối mặt trong năm tới? 

Phó Tổng Thư ký LHQ Jean-Pierre Lacroix: Chúng tôi vừa có phiên họp trực tuyến cấp bộ trưởng về gìn giữ hòa bình và hầu hết các nước đều ủng hộ hoạt động gìn giữ hòa bình. Một số nước đã chứng tỏ năng lực của mình có thể đóng góp được cho hoạt động này, trong đó có Việt Nam. Một trong những ưu tiên trong năm tới của lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ sẽ là tiếp tục triển khai các hoạt động hiện đang phối hợp với các nước thành viên LHQ thực hiện trong năm 2021, trong đó có hợp tác với Việt Nam, nhằm củng cố tính hiệu quả của hoạt động cũng như tăng cường công tác bảo vệ lực lượng gìn giữ hòa bình. Tôi tin rằng để làm được điều này, chúng tôi sẽ phải dựa vào các nước thành viên LHQ như Việt Nam. Chúng tôi không thể làm được gì nếu như không có sự ủng hộ của các nước thành viên LHQ và đây chính là tầm quan trọng của quan hệ đối tác này.

Trân trọng cảm ơn Phó Tổng Thư ký.

Hải Vân - Quang Huy (TTXVN)
Việt Nam đồng chủ trì Phiên họp trực tuyến 15 Nhóm chuyên gia gìn giữ hòa bình
Việt Nam đồng chủ trì Phiên họp trực tuyến 15 Nhóm chuyên gia gìn giữ hòa bình

Sáng 3/12, Bộ Quốc phòng tổ chức Kỳ họp thứ 15 của Nhóm chuyên gia gìn giữ hòa bình (EWG PKO) Chu kỳ 4, 2021-2023 trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+) theo hình thức trực tuyến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN