Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn tránh đô thị Pleiku có chiều dài hơn 30 km, đi qua các huyện Chư Păh, Ia Grai và Chư Prông của tỉnh Gia Lai, với tổng vốn đầu tư trên 840 tỷ đồng. Toàn huyện Chư Păh có 100 hộ dân thuộc diện đền bù giải phóng mặt bằng của dự án, trong đó riêng ở xã Nghĩa Hòa có 66 hộ.
Giữa tháng 6/2016, UBND huyện Chư Păh đã gửi công văn công bố việc giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện, chuẩn bị cho việc thi công tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến qua đô thị Pleiku cho UBND xã Nghĩa Hòa. Ngay sau khi nhận được thông báo, UBND xã Nghĩa Hòa đã nhanh chóng gửi thông báo xuống thôn 3 và thôn 6, nơi có các hộ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dự án.
Điều đáng nói là dù đã nhận được thông báo của chính quyền địa phương,
nhưng nhiều hộ dân ở hai thôn này vẫn tiến hành xây dựng các công trình
như nhà ở, tường rào, ao cá... Chỉ trong vòng một tháng, từ giữa tháng
6/2016 đến giữa tháng 7/2016, đã có 44 công trình trái phép thuộc 33 hộ
dân được xây dựng trên địa bàn thôn 3 và thôn 6, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư
Păh.
Ông Lê Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa cho biết, sau
khi đã gửi thông báo của UBND huyện cho các hộ ảnh hưởng trực tiếp đến
dự án tuyến đường tránh Hồ Chí Minh qua đô thị Pleiku, xã đã thành lập
Tổ kiểm tra, giám sát nhằm kiểm tra, xử lý các hộ xây dựng công trình
trái phép trên địa bàn xã. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó
khăn do các hộ không ký vào biên bản xử lý, không hợp tác với cơ quan
chức năng.
Một vấn đề nữa cũng phát sinh trong quá trình xử lý
xây dựng trái phép, đó là nhiều trường hợp số tiền xử phạt vượt quá mức
giới hạn cho phép của cấp xã: “Cấp xã chỉ được phép xử lý các trường
hợp có số tiền phạt dưới 5 triệu đồng. Vì vậy, với những trường hợp có
số tiền phạt lớn hơn, chúng tôi phải gửi văn bản cho UBND huyện xử lý”, ông Lê Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa cho biết thêm.
Ông
Huỳnh Chánh, Trưởng thôn 3, xã Nghĩa Hòa cho biết: Là thành viên của Tổ
kiểm tra, giám sát, ông Chánh đã nhiều lần trực tiếp đến các công trình
mà người dân đang xây dựng trái phép để giải thích cho người dân hiểu
và xử lý các vi phạm. Tuy nhiên, khi xuống hiện trường lại chỉ có thợ
xây dựng mà không có mặt chủ nhà, chính vì thế, việc xử lý vi phạm gặp
nhiều khó khăn.
Tình trạng người dân lấn chiếm hai bên đường để dựng nhà, lều tạm để kinh doanh, buôn bán cũng xảy ra tại đường Hồ Chí Minh, đoạn đi qua huyện Đắk Song (Đắk Nông). Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN
|
Là một trong các hộ xây dựng nhà ở sau thời điểm công bố quy hoạch tuyến đường tránh Hồ Chí Minh qua đô thị Pleiku, ông Nguyễn Hữu Lâm (thôn 3, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) lại không thừa nhận việc mình xây dựng công trình là nhằm mục đích chờ đền bù giải phóng mặt bằng dự án. Ông Lâm cho rằng do những năm trước, vườn cà phê của gia đình thường xuyên bị mất trộm, gia đình ông quyết định xây căn nhà và bể nước để tiện việc chăm sóc và chống trộm.
Hai công trình này gia đình ông Lâm xây dựng vào khoảng giữa tháng 6/2016. Khi đang xây dựng, ông Lâm nhận được thông báo của xã là cả căn nhà và bể nước mà gia đình đang xây đều thuộc diện các công trình xây dựng trái phép, sau thời điểm công bố quy hoạch tuyến đường tránh Hồ Chí Minh qua đô thị Pleiku. Vì đã xây dựng gần xong, ông Lâm vẫn tiếp tục xây cho đến khi hoàn thành. Ông Lâm không đồng ý với việc bị xử phạt.
Thực tế ở xã Nghĩa Hòa không ít các hộ dân có các công trình xây dựng trái phép có suy nghĩ như ông Nguyễn Hữu Lâm. Về vấn đề này, ông Lê Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa thừa nhận, việc thông báo đến người dân chậm hơn một hoặc hai ngày so với thời điểm UBND huyện Chư Păh gửi công văn xuống xã là không thể tránh khỏi do một số hộ dân tại thời điểm đó không có mặt ở địa phương.
Chính điều này đã khiến một số hộ dân xây dựng các công trình sau thời điểm công bố quy hoạch của huyện nhưng lại trước thời điểm nhận được thông báo của UBND xã. Tuy nhiên, ông Lê Văn Thành cho biết, dù nhận thông báo chậm, việc các hộ vẫn tiếp tục xây dựng các công trình là hoàn toàn sai quy định.
Trước thực trạng trên, UBND xã Nghĩa Hòa đã ra hàng loạt thông báo gửi các hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ dự án tuyến đường tránh Hồ Chí Minh qua đô thị Pleiku để các hộ không xây dựng thêm công trình nào nữa; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát và nhắc nhở các hộ dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật. Nhờ đó, từ cuối tháng 7/2016 đến nay, không có thêm công trình trái phép nào được xây tại xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh cho biết, từ đầu năm 2016, nhiều hộ dân tại xã Nghĩa Hòa khi thấy cơ quan chức năng phân giới, cắm mốc để chuẩn bị xây dựng tuyến đường tránh Hồ Chí Minh qua đô thị Pleiku đã tiến hành xây dựng các công trình như nhà ở, hồ chứa nước...
Dù thời điểm giữa năm 2016, huyện Chư Păh đã có văn bản thông báo chính thức về dự án, đồng thời gửi công văn yêu cầu các hộ bị ảnh hưởng trực tiếp không xây dựng thêm các công trình trái phép nhưng tình trạng này tại hai thôn 3 và thôn 6 xã Nghĩa Hòa vẫn xảy ra.
Chính vì việc này, tiến độ bàn giao mặt bằng đã chậm hơn so với chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai. "Huyện đã thành lập hội đồng cưỡng chế và lên phương án tháo dỡ các công trình vi phạm. Hiện, huyện Chư Păhcũng đã thành lập các tổ công tác vận động người dân tự tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép.
Sau một thời gian, nếu các hộ không tự tháo dỡ, huyện sẽ tiến hành cưỡng chế để tháo dỡ, phục vụ việc giải phóng mặt bằng, thi công tuyến đường tránh Hồ Chí Minh qua đô thị Pleiku", ông Nguyễn Ngọc Quang nhấn mạnh.