Đạo đức và đạo đức công vụ
Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội được biểu hiện dưới dạng các nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực, giá trị định hướng, điều chỉnh hành vi của con người và hoạt động của xã hội. Nếu như pháp luật dùng sự trừng phạt để điều tiết hành vi con người một cách cưỡng chế thì đạo đức xác định giới hạn cho điều thiện và điều ác, hướng con người tự giác tuân thủ.
Chuẩn mực pháp luật xác định ranh giới cho các hành vi phải làm, không được làm và được làm. Chuẩn mực đạo đức xác lập những hành vi nên làm và không nên làm, được điều chỉnh bằng dư luận xã hội và lương tâm của chủ thể hành động. Xã hội có bao nhiêu nghề thì có bấy nhiêu đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức nghề nghiệp là đạo đức xã hội được thể hiện một cách đặc thù, cụ thể trong các hoạt động nghề nghiệp.
Công vụ theo nghĩa rộng là công việc do người của nhà nước đảm nhận. Đạo đức công vụ là những chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 76/SL ngày 20/5/1950 ban hành Quy chế công chức Việt Nam. Tại Lời nói đầu, nội dung về công chức và đạo đức công vụ đã được thể hiện cụ thể: “Công chức Việt Nam là những công dân giữ một nhiệm vụ trong bộ máy nhà nước của chính quyền nhân dân…”. Chuẩn mực đạo đức công vụ của cán bộ, công chức Việt Nam được Bác Hồ xác định cô đọng là “cần”, “kiệm”, “liêm”, “chính”.
Như vậy, Quy chế công chức đầu tiên của nước Việt Nam độc lập đã nêu rõ những chuẩn mực đạo đức rất quan trọng đối với công chức nhà nước.
Hiến pháp năm 1980 quy định tại Điều 8: “Tất cả các cơ quan nhà nước và nhân viên nhà nước phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nghiêm cấm mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”. Có thể nói, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, Nhà nước ta đã ban hành những chuẩn mực về đạo đức - pháp lý cho công chức và cơ quan nhà nước.
Tiếp đến, Hiến pháp 1992 tại Điều 8 cũng quy định: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, viên chức nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng”.
Căn cứ vào Hiến pháp 1992, Luật cán bộ, công chức ra đời năm 2008 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2010. Trong bộ luật này những chuẩn mực đạo đức - pháp lý được thể hiện cụ thể ở các quy định về nghĩa vụ của công chức: trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia; tôn trọng nhân dân, tận tâm phục vụ nhân dân; liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Với việc ban hành Luật cán bộ, công chức, chế định công chức và đạo đức công vụ ở nước ta đã có bước phát triển và hoàn thiện mới, góp phần xác lập các chuẩn mực đạo đức - pháp lý cho cán bộ, công chức Việt Nam trong tiến trình xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh.
Cán bộ phải là “tấm gương sống” ngoài xã hội
Đạo đức công vụ nói theo cách dễ hiểu nhất là đạo đức của đội ngũ công chức khi thực thi công vụ. Đạo đức của lực lượng công chức, viên chức không chỉ được hình thành, rèn luyện tại nơi làm việc mà còn xuất phát, tiến triển từ một nền tảng quan trọng là đạo đức cá nhân, đạo đức xã hội của công chức bởi vì trước khi, trong khi thực thi công vụ họ là những con người cụ thể. Trong con mắt của người dân thì công chức phải là tấm gương về chuẩn mực đạo đức cá nhân, xã hội, vì cái thiện, chống cái xấu, cái ác.
Đạo đức xã hội được hiểu là chuẩn mực, những giá trị của các giai đoạn phát triển nhất định của xã hội.
Theo giáo trình của Học viện Hành chính quốc gia, đạo đức thực thi công việc của công chức là “trong lòng mỗi một công chức phải nhận thức đúng ba yếu tố: đạo đức cá nhân, xã hội; đạo đức nghề nghiệp; những quy định pháp luật riêng cho hoạt động công vụ. Muốn có đạo đức công vụ, công chức thực thi công vụ phải có đạo đức xã hội mang tính tự giác cao. Nếu chỉ có pháp luật, khó có thể hình thành đạo đức công vụ một cách tự giác”.
Trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình mà công chức vi phạm chuẩn mực đạo đức công vụ thì hệ quả gây ra đối với xã hội là rất lớn. Nhưng khi rời vị trí công việc, bước vào cuộc sống thường ngày mà họ vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội thì tác hại cũng nghiêm trọng không kém, dễ thấy nhất là làm giảm niềm tin của người dân đối với một ngành, cơ quan cụ thể và đối với nhà nước nói chung. Điều này được thể hiện rất rõ qua những “rung chấn” trên mạng xã hội và dư luận trong nước sau những hành vi “lệch chuẩn” của Đại úy Lê Thị Hiền và Thượng úy Nguyễn Xô Việt. Những hành vi đó gây bức xúc dư luận bởi nó không chỉ vi phạm các quy định về đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, mà còn trái ngược với các chuẩn mực đạo đức xã hội.
Một trong 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân là: “Đối với nhân dân phải: Kính Trọng Lễ Phép”. Đối với cán bộ, chiến sỹ ngành công an - một cơ quan quyền lực của Nhà nước, yêu cầu, đòi hỏi phải có chuẩn mực đạo đức xã hội cao hơn bình thường, người dân soi xét kỹ hơn. Trong công việc phục vụ người dân, họ không thể hành xử với thái độ "bề trên", "ban ơn"... Khi ra ngoài xã hội, cởi bỏ bộ cảnh phục, họ tuyệt đối không được “hống hách”, tự cho mình quyền xúc phạm, sỉ nhục, thậm chí hành hung những người "dám" phản ứng trước hành động "lệch chuẩn" của họ.
Ở một xã hội hiện đại với nền dân chủ và dân trí ngày càng được nâng cao thì việc quản lý công không thể áp đặt công cụ cai trị cực đoan mà cần đề cao sứ mệnh phục vụ công chúng. Quan điểm "Nhà nước phục vụ" được khái quát trong mô hình tương tác: nhà nước (người cung ứng) - công dân (khách hàng tiêu dùng).
Một trong những biểu hiện của tình trạng đạo đức cá nhân, đạo đức xã hội của công chức, viên chức chưa được soi xét kỹ là ở khâu tuyển dụng công chức và bổ nhiệm cán bộ. Điều kiện về năng lực đã được cụ thể hóa bằng quy định phải có các chứng chỉ, các bằng cấp tương ứng. Đây là điều kiện “cần”, chưa phải điều kiện “đủ” gồm cả đạo đức cá nhân và đạo đức xã hội. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì khía cạnh đạo đức nặng về “định tính” mà khó “định lượng” chính xác chỉ qua xét lý lịch, nhận xét của nhà trường, đơn vị, địa phương…
Hiện nay, việc rèn luyện đạo đức cá nhân, đạo đức xã hội của cán bộ, công chức tại nhiều cơ quan, đơn vị còn mang tính hình thức. Khi cán bộ, nhân viên vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội thì biện pháp xử lý phổ biến là “kiểm điểm”, “rút kinh nghiệm”, nặng hơn là kỷ luật hành chính. Các trường hợp được dư luận chú ý thì được “đề xuất hình thức kỷ luật nghiêm khắc”. Tuy nhiên, từ việc đề xuất đến quyết định kỷ luật còn có một khoảng cách khá xa. Điển hình là vụ việc Đại úy Lê Thị Hiền bị đề nghị giáng cấp, điều chuyển công tác nhưng sau hơn hai tháng, quyết định chính thức vẫn chưa được công bố. Đối với trường hợp của Thượng úy Nguyễn Xô Việt, người dân đang chờ đợi sau một tháng bị đình chỉ công tác để xác minh làm rõ thì sẽ là hình thức kỷ luật như thế nào.
Những trường hợp vi phạm đạo đức xã hội của cán bộ, công chức liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây đặt ra vấn đề cần soi xét lại trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo tinh thần Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (Khóa XII) về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên".
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên: Trước dân chúng, không phải chúng ta cứ viết lên trán hai chữ “cộng sản” là được người ta tôn trọng, mà muốn lãnh đạo nhân dân “phải làm mực thước cho nhân dân bắt chước, phải làm gương, nêu gương trong công tác, trong lối sống, trong mọi hoàn cảnh để quần chúng noi theo. Soi vào những điều Bác dạy thì các trường hợp như Đại úy Lê Thị Hiền, Thượng úy Nguyễn Xô Việt không thể để “xử lý nội bộ” mà cần có hình thức kỷ luật nghiêm khắc bởi họ đã vi phạm thô thiển trách nhiệm nêu gương, làm méo mó hình ảnh cán bộ Công an nói riêng và hình ảnh cán bộ, đảng viên nói chung trong con mắt quần chúng.
Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, Bác Hồ đã có câu nói giản dị mà vô cùng sâu sắc: “Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.