Đây là sáng kiến do Việt Nam đề xuất nhằm tiếp tục triển khai các kết quả quan trọng của Năm APEC 2017 về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số và thúc đẩy kinh tế số. Sáng kiến được các thành viên APEC đánh giá cao, trong đó Nhật Bản, Nga, Australia, Chile, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan tham gia đồng bảo trợ.
Tham dự hội thảo có trên 100 diễn giả, đại biểu quốc tế và trong nước, gồm đại diện các nền kinh tế thành viên APEC, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC, đại diện nhiều tổ chức quốc tế và khu vực như Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á - Thái Bình Dương Liên hợp quốc (UNESCAP), Ban Thư ký ASEAN, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO)… cùng lãnh đạo và đại diện nhiều bộ, ngành, doanh nghiệp, trường đại học và các trường dạy nghề tại Hà Nội.
Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC, Tiến sỹ Rebecca Sta Maria nhấn mạnh: Trước sự phát triển mang tính đột phá của các công nghệ mới, châu Á - Thái Bình Dương sẽ là khu vực diễn ra sự chuyển đổi sâu sắc nhất là về việc làm trong tương lai.
Tiến sỹ Rebecca Sta Maria đánh giá cao Việt Nam và các nước đồng sáng kiến tổ chức Hội thảo với chủ đề rất thiết thực, nhằm đánh giá những kỹ năng sáng tạo cần thiết trong kỷ nguyên số, từ đó thúc đẩy hợp tác APEC để lực lượng lao động trong khu vực có khả năng thích ứng với những thay đổi của việc làm trong tương lai. Sáng kiến này sẽ đóng góp thiết thực cho việc triển khai các ưu tiên của APEC về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, thúc đẩy xã hội số.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, công nghệ số và các công nghệ mới đang tác động căn bản đến nền tảng kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế, cũng như thế giới việc làm trong tương lai. Đây chính là thời điểm APEC cần phát huy hơn nữa vai trò đi đầu thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo, bao trùm và bền vững tại châu Á - Thái Bình Dương, đưa khu vực trở thành trung tâm toàn cầu về các công nghệ mới.
Theo đó, trước hết APEC cần có cách tiếp cận sáng tạo và toàn diện, đồng thời cần có những chương trình hợp tác cụ thể nhằm hướng tới một tương lai việc làm bao trùm trong kỷ nguyên số. APEC cần phát triển các kỹ năng sáng tạo, thu hẹp khoảng cách số, thúc đẩy đào tạo chất lượng, đào tạo lại, đào tạo nâng cao và đào tạo suốt đời; đẩy mạnh thực hiện Hệ thống giáo dục và đào tạo nghề trong APEC, triển khai hiệu quả Khuôn khổ APEC về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số được thông qua tại Hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, APEC cần chú trọng hơn nữa hợp tác kinh tế kỹ thuật nhằm hỗ trợ các nền kinh tế thành viên, nhất là các thành viên đang phát triển tiếp cận tốt hơn với công nghệ số, tăng cường khả năng thích ứng, quản lý rủi ro và thu hẹp khoảng cách số. APEC cũng cần tăng cường phối hợp với các cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực và liên khu vực trong lĩnh vực này.
Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và nhiều bộ, ngành, các viện nghiên cứu, các trường đào tạo của Việt Nam cho rằng nhiều nội dung thảo luận tại Hội thảo như sự thay đổi bản chất việc làm, các kỹ năng sáng tạo trong thế kỷ XXI, cải cách hệ thống giáo dục, đào tạo trong kỷ nguyên số, chính sách phát triển thị trường lao động… hiện là những quan tâm hàng đầu của nhiều thành viên APEC. Việc tăng cường hợp tác APEC sẽ góp phần hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng chính sách và triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong hai ngày 18 - 19/7/2019, hội thảo sẽ tập trung trao đổi và đề xuất các khuyến nghị cụ thể để trình lên các quan chức cao cấp tại hội nghị sắp tới diễn ra vào 29 - 30/8/2019 tại Chile.
Cùng ngày, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp bà Rebecca Sta Maria, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC. Bà Rebecca Sta Maria từng là Thứ trưởng Thường trực Bộ Công Thương Malaysia và đảm nhiệm vai trò Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC từ tháng 1/2019.
Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC chúc mừng Việt Nam đã đạt nhiều thành công trong triển khai đối ngoại đa phương và tham gia các liên kết kinh tế quốc tế, đặc biệt là phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA).
Bà Rebecca Sta Maria đánh giá cao các sáng kiến thiết thực của Việt Nam và nhiều thành viên APEC trong hai năm qua, nhằm triển khai các kết quả quan trọng của Năm APEC 2017, đồng thời bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò thúc đẩy các nội dung hợp tác quan trọng, nhất là xây dựng Tầm nhìn APEC sau năm 2020, thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, phát triển bền vững và bao trùm.
Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn và Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC nhất trí đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam và Ban Thư ký APEC trong triển khai các dự án phù hợp, hỗ trợ Việt Nam đào tạo cán bộ đối ngoại đa phương. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng Tầm nhìn APEC và trong năm 2020 khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, đồng thời Malaysia là nước chủ nhà APEC, từ đó đóng góp xây dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương năng động, sáng tạo, bao trùm vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp.