* Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc, cho rằng sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại một khoảng trống vô cùng to lớn.
Trả lời phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Thủ tướng Anwar nhấn mạnh: “Tầm nhìn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc duy trì quyền tự chủ chiến lược và thúc đẩy sự quản trị tốt ở Việt Nam đã thực sự tạo được tiếng vang sâu sắc với cá nhân tôi khi gặp Tổng Bí thư trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 7/2023. Tầm nhìn xa của Tổng Bí thư về mối quan hệ giữa Việt Nam và Malaysia sẽ trường tồn. Di sản của ông sẽ truyền cảm hứng cho các thế hệ tương lai, tại Việt Nam và khắp Đông Nam Á”.
* Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, trong thư chia buồn gửi Chủ tịch nước Tô Lâm, Tổng thống Singapore Tharman Shanmugaratnam viết: “Sự cống hiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng cũng là một yếu tố quyết định vai trò lãnh đạo của ông. Ông là người có niềm tin kiên định vào tiềm năng của Việt Nam và làm việc không mệt mỏi để đảm bảo rằng Đảng và Chính phủ sẽ ở vị thế tốt nhất để hiện thực hóa điều đó”.
Thư chia buồn của Thủ tướng Singapore Lawrence Wong có đoạn: “Trong suốt sự nghiệp nhiều thập kỷ trong Đảng, trong đó có 13 năm giữ cương vị Tổng Bí thư, sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam và cải thiện đời sống của người dân”.
* Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại New Delhi, cựu Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Satyendra Pradhan đánh giá Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo chính trị sắc sảo, giàu kinh nghiệm, nhà lý luận chiến lược. Tổng Bí thư còn là một nhà lãnh đạo nhân từ, quan tâm đến phúc lợi của người dân. Đóng góp của Tổng Bí thư trong việc xác định lại mối quan hệ giữa một bên là hệ tư tưởng với các vấn đề kinh tế, chính sách đối ngoại, phúc lợi của người dân và hoạt động của Đảng Cộng sản là rất đáng chú ý, trong đó có chiến dịch chống tham nhũng với những kết quả đáng kể.
Ông Satyendra Pradhan cho rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có đóng góp đáng kể về mặt lý luận cho Đảng bằng việc đưa ra những cải cách rất cần thiết. Quyết định 244-QĐ/TW là một bước nhằm xóa bỏ độc quyền của các thành viên cấp cao Bộ Chính trị trong việc đề cử các thành viên mới. Theo ông Satyendra Pradhan, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện một động thái quan trọng nhằm dân chủ hóa hệ thống mà không làm loãng nền tảng tư tưởng.
Một đóng góp đáng kể khác là trong lĩnh vực kinh tế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá đúng mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và hệ tư tưởng. Ông Satyendra Pradhan nhắc tới câu nói nổi tiếng của Tổng Bí thư: “Bản thân nền kinh tế thị trường không thể phá hủy được chủ nghĩa xã hội. Nhưng để xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công thì cần phải phát triển kinh tế thị trường một cách đầy đủ, đúng đắn”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong đã đưa ra một mô hình mà các nước khác nên noi theo, trao quyền tự do nhất định cho việc phát triển thị trường và điều này dẫn đến việc thiết lập nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kể từ năm 2016, nền kinh tế Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức khoảng 7%. Ngay cả trong thời kỳ COVID-19, tốc độ tăng trưởng vẫn đạt 3%. Đây thực sự là một phép lạ.
Cựu quan chức Ấn Độ cho rằng sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đóng vai trò nòng cốt trong việc xác định cách tiếp cận các vấn đề quốc tế và khu vực. Những đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về môi trường quốc tế hiện nay là thực tế và các đề xuất đều dựa trên chủ nghĩa thực tế, thể hiện qua thuật ngữ "ngoại giao tre". Mặc dù ngoại giao của Việt Nam linh hoạt và mềm mỏng để phù hợp với tất cả các cực trong thế giới đa cực, nhưng vẫn gắn chặt với lợi ích quốc gia rộng lớn hơn, hướng tới hòa bình và tăng trưởng kinh tế của quốc gia cũng như của khu vực.
Chính sách ngoại giao của Việt Nam duy trì sự độc lập để bảo vệ lợi ích quốc gia và bảo vệ lợi ích của người dân. Mục đích là tận dụng tốt nhất các cơ hội sẵn có và ngoại giao để thúc đẩy lợi ích của người dân Việt Nam. Ông đánh giá chính sách ngoại giao cây tre của Việt Nam đang mang lại nhiều lợi ích. Việt Nam ngày nay có quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước.
Việt Nam đang dần có những động thái hướng tới hòa bình trong khu vực. Vai trò của Việt Nam trong ASEAN và tại Hội đồng Bảo an đã nâng cao tầm vóc của đất nước một cách đáng kể. Gần đây, 3 nhà lãnh đạo quan trọng của thế giới đã đến thăm Việt Nam - Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Điều này phản ánh sự thành công của chính sách ngoại giao cây tre, cũng đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ với các quốc gia khác, từ đó cải thiện mối quan hệ giữa con người với con người và phát triển con người nói chung.
* Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại La Habana, Anh hùng Cộng hòa Cuba Fernando González Llort - Chủ tịch Viện Cuba Hữu nghị với các dân tộc (ICAP) - khẳng định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn, có những đóng góp đáng kể cho sự nghiệp cách mạng toàn cầu, với tư tưởng chính trị theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Theo ông González Llort, “người cộng sản kiên trung” Nguyễn Phú Trọng đã làm việc không mệt mỏi để tăng cường mối quan hệ truyền thống giữa hai dân tộc Cuba và Việt Nam. Ông luôn ở bên Cuba trong những thời điểm khó khăn nhất và không tiếc công sức, nỗ lực hỗ trợ nhân dân đảo quốc anh em này trong mọi hoàn cảnh về chính trị, kinh tế.
Trong trái tim người dân Cuba, hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đậm nét bởi sự giản dị, khiêm tốn, nhân cách cao đẹp và khả năng lãnh đạo sáng suốt, chèo lái con thuyền của Đảng Cộng sản Việt Nam trên con đường củng cố chủ nghĩa xã hội, đấu tranh phát triển, hiện đại hóa đất nước bất chấp những trở ngại.
Anh hùng Cộng hòa Cuba nhận định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn giữ vững đường lối tư tưởng của Bác cũng như những hy vọng của Người về tương lai, thông qua việc đào tạo, giáo dục các thế hệ mới, phẩm chất của những chính khách tầm cỡ thế giới.