Ông Lê Hoàng Minh cho biết, đề án sau khi được Cục Hàng hải Việt Nam xây dựng đã được xin ý kiến các bộ, ngành và đến nay đã được phê duyệt. Hiện, Bộ Giao thông Vận tải đã ủy quyền cho Cục Hàng hải Việt Nam triển khai các bước tiếp theo để chọn nhà khai thác mới khai thác cảng biển An Thới theo hình thức đấu thầu.
Liên quan đế thời gian xây dựng đề án kéo dài ảnh hưởng đến việc khai thác cảng An Thới, ông Lê Hoàng Minh cho biết, việc xây dựng đề án mất rất nhiều thời gian do phải nghiên cứu, áp dụng các quy định pháp luật, đồng thời phải xin ý kiến các bộ, ngành. Mặt khác, cũng là để đề án đảm bảo áp đúng pháp luật tránh thất thoát tài sản của nhà nước các đơn vị của Bộ và Cục Hàng hải Việt Nam đã phải tham vấn, nghiên cứu rất kỹ.
Ông Nguyễn Đình Việt, Quyền Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, sau khi đề án được phê duyệt, Cục Hàng hải Việt Nam đã lựa chọn tư vấn thẩm định giá để đánh giá giá trị tài sản sẽ cho thuê. Sau khi có kết quả tư vấn đánh giá giá trị tài sản, Cục Hàng hải Việt Nam đã lựa chọn Công ty Đấu giá hợp danh Kiên Giang tổ chức đấu giá tài sản là: “Quyền khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới”. Ngày 8/8 vừa qua, Công ty Đấu giá hợp danh Kiên Giang đã ra thông báo mời các tổ chức có đủ điều kiện, năng lực tham gia đấu giá tài sản trên.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Việt, quan điểm của Cục Hàng hải Việt Nam là phải lựa chọn được những doanh nghiệp có năng lực tài chính và kinh nghiệm khai thác cảng biển. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải có khả năng tạo nhiều nguồn thu để hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư phát huy hiệu quả, không bị lãng phí.
Đây là loại tài sản đặc thù, nếu không có kinh nghiệm khai thác cảng sẽ không thể phát huy hết công năng ý nghĩa của công trình trong thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Theo thông báo số 414/TB-KGAP ngày 8/8/2022 về việc mời gian gia đấu giá tài sản của Công ty Đấu giá hợp danh Kiên Giang. Tên tài sản đấu giá: “Cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cảng An Thới, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Danh mục tài sản gồm 17 loại; trong đó có bến 3.000WT; đường nội bộ cảng, sân ga, bãi đỗ nhà xe, bãi chứa hàng; nhà ga; kho hàng hóa, xưởng cơ khí; bến truyền tải, nhà thường trực…
Trong thông báo này nêu rõ: Đơn vị trúng đấu giá được quản lý, khai thác cảng biển An Thới theo mục đích, hình thức và thời hạn sử dụng. Cụ thể, về mục đích quản lý, khai thác cảng biển An Thới; hình thức cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới với thời hạn từ quý IV/2022 đến năm 2063 (41 năm 3 tháng).
Giá khởi điểm thu cố định là gần 172 tỷ đồng; giá biến đổi được xác định theo tỷ lệ phần trăm của doanh thu khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới cho thuê hàng năm. Dự kiến thời gian tổ chức đấu giá vào lúc 9h ngày 26/8/2022.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, cảng An Thới (Phú Quốc) gồm khu vực cảng đầu mối (cảng chính) có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng đến 3.000 DWT và khu cảng chuyển tải (bến phao) tiếp nhận tàu đến 30.000 DWT. Cảng có công suất thiết kế khoảng 280.000 tấn hàng hóa/năm và 440.000 hành khách thông qua. Đây được xem là cảng biển tổng hợp lớn nhất tại thành phố đảo Phú Quốc, do nhà nước đầu tư.
Để phục vụ hoạt động khai thác, đường bãi trong cảng, kho hàng, xưởng cơ khí, nhà ga, dịch vụ, văn phòng, hệ thống cấp thoát nước, cấp điện… được đầu tư đồng bộ với tổng chi phí gần 158 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách nhà nước.
Trước đó, cảng biển An Thới đã được cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng trong 30 năm (2014 - 2043), tổng giá trị hợp đồng khoảng 90 tỷ đồng được bên thuê thanh toán hàng năm. Tuy nhiên, do nhà khai thác đã vi phạm một số điều khoản nên Cục Hàng hải Việt Nam đã chấm dứt hợp đồng trước thời hạn từ ngày 1/1/2021.
Để xử lý tình huống trên, Cục Hàng hải Việt Nam đã xây dựng Đề án cho thuê khai thác tài sản cảng kết cấu cảng biển An Thới, trong đó đưa ra hai phương án. Phương án 1, thời hạn cho thuê khai thác từ thời điểm ký kết hợp đồng cho thuê dự kiến năm 2021 đến năm 2043 theo thời hạn phương án thuê đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt với nhà đầu tư đầu tiên. Giá khởi điểm cho thuê gần 98,4 tỷ đồng với khả năng thu hồi vốn dự báo khoảng hơn 1.900 tỷ đồng trong hơn 20 năm.
Phương án 2 là từ thời điểm ký kết hợp đồng cho thuê đến năm 2063 theo thời gian sử dụng của tài sản. Giá cho thuê khởi điểm ước hơn 195,5 tỷ đồng với khả năng thu hồi vốn được dự báo hơn 4.200 tỷ đồng.
Trên cơ sở phân tích, Cục Hàng hải Việt Nam đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải xem xét, phê duyệt phương án 2 vì cách tính khấu hao phù hợp với quy định của Nghị định 43/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải.
Ngoài ra, thời gian cho thuê đến khi tài sản hết khấu hao nên bên thuê chủ động trong việc đầu tư thiết bị máy móc và lên phương án kinh doanh phù hợp; không phải tiến hành lựa chọn bên thuê nhiều lần. Sau khi hết thời hạn cho thuê có thể đánh giá lại tài sản để đề xuất phương án quản lý khai thác phù hợp.
Hiện ngoài nhóm nhà đầu tư cũ từng tham gia đấu giá quyền khai thác cảng An Thới vào năm 2014, cảng biển đang nhận được khá nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp lớn khác; trong đó có Tập đoàn Sun Group.