Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, trong mấy năm gần đây, tỉnh kiên trì với mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc. Năm 2017 tỉnh đứng thứ 3 về thu hút đầu tư trong cả nước (sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh).
Tỉnh kiên quyết từ chối các doanh nghiệp không bảo đảm về môi trường, sử dụng nhiều lao động nhằm tránh áp lực về hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, chất lượng sống... Bí thư Tỉnh ủy mong muốn Trung ương tạo cho tỉnh một cơ chế đặc thù để phát triển, trở thành một tỉnh phát triển năng động, bền vững.
Tại buổi làm việc, Bà Rịa -Vũng Tàu kiến nghị Trung ương một số vấn đề như: xem xét hỗ trợ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải như: sớm nạo vét luồng hàng hải, triển khai đầu tư các tuyến đường cao tốc, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu; xem xét hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương để tỉnh đầu tư phát triển Côn Đảo.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Trưởng đoàn công tác Bùi Văn Thạch đánh giá cao sự quyết tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh. Bà Rịa - Vũng Tàu đã có chiến lược phát triển kinh tế- xã hội bài bản, vững chắc. Đoàn công tác đề nghị Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục đổi mới, tạo bước đột phá, nhanh chóng phát triển mạnh về công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng và du lịch.
Báo cáo tại buổi làm việc cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung dồn sức triển khai các nhiệm vụ để thực hiện các mục tiêu. Kết quả thực hiện 2 năm 2016-2017 về phát triển công nghiệp, hiện nay, tỉnh có 15 khu công nghiệp, với diện tích 8.510 ha, lấp đầy chung đạt 47,4%, riêng các khu công nghiệp có hạ tầng hoàn thiện đã lấp đầy đến 95%. Sản xuất công nghiệp bình quân 2 năm tăng 8,01%.
Về phát triển cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng, địa bàn tỉnh có 25 km cảng biển được quy hoạch và 31/57 cảng đang hoạt động với công suất 121 triệu tấn/năm. Tỉnh đang kêu gọi đầu tư khu Trung tâm dịch vụ logistic Cái Mép Hạ với rộng 800 ha để phục vụ cho hệ thống cảng trung chuyển quốc tế của tỉnh.
Đối với phát triển du lịch, tỉnh tập trung phát triển 4 sản phẩm du lịch mũi nhọn là du lịch nghỉ dưỡng biển; du lịch hội nghị, hội thảo; du lịch sinh thái chất lượng cao và du lịch lịch sử, tâm linh; ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư có thương hiệu, đẳng cấp quốc tế để đầu tư các dự án du lịch chất lượng cao, thu hút dòng khách cao cấp. Trong 2 năm, các cơ sở lưu trú của tỉnh đã đón và phục vụ khoảng 5 triệu lượt khách, doanh thu đạt 3.300 tỷ đồng, tăng 12%/năm…
Về nhiệm vụ chú trọng phát triển kinh tế biển, đánh bắt xa bờ, kết hợp bảo vệ lãnh hải và quyền, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh, các cơ quan liên quan tính toán quy mô, không gian phát triển bền vững cho sản xuất hải sản, trong đó đánh bắt hải sản tỉnh đã tuyên truyền, khuyến khích, có lộ trình hỗ trợ ngư dân chuyển sang đánh bắt theo hình thức bảo vệ được nguồn lợi thủy sản, thực hiện các biện pháp ngăn chặn khai thác hải sản theo hình thức hủy diệt. Chế biến hải sản hiện đại, đảm bảo chất lượng, tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng các khu chế biến hải sản tập trung tại huyện Đất Đỏ và Xuyên Mộc, các khu neo đậu tránh trú bão.
Về nhiệm vụ đầu tư phát triển huyện Côn Đảo, vị trí tiền tiêu quan trọng, kết hợp du lịch với quốc phòng, tỉnh đang khẩn trương triển khai những công việc cấp bách đối với huyện Côn Đảo như: tập trung kêu gọi đầu tư các dự án du lịch cao cấp; đầu tư 13 hồ chứa nước tại các hòn để cung cấp nước sạch phục vụ cho khách du lịch và sinh hoạt của người dân; đầu tư dự án xử lý nước thải, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy xử lý rác thải…