Chiều 7/1, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày Tờ trình của Chính phủ trước Quốc hội về việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang ngân sách năm 2022. Nội dung này vừa được Quốc hội nhất trí bổ sung vào Chương kỳ Kỳ họp bất thường lần thứ hai chiều cùng ngày.
Tờ trình nêu rõ, căn cứ quy định tại Nghị quyết số 30 của Quốc hội về Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XV và Nghị quyết số 86 ngày 6/8/2021 của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 30 về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Chính phủ đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, tổng hợp các khoản kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 còn dư dự toán, không thuộc các trường hợp đương nhiên được chuyển nguồn theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) và địa phương có nhu cầu tiếp tục sử dụng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong năm 2022.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, khoản kinh phí dành cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương theo quy định không thuộc trường hợp được chuyển nguồn. Nghị quyết số 30 của Quốc hội đã ủy quyền cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đối với các nhiệm vụ chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhưng chỉ được thực hiện đến hết ngày 31/12/2022.
Đến nay, đã hết thời hạn, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022 là cần thiết.
"Tuy nhiên, đến ngày 7/1/2023, Chính phủ mới có Tờ trình gửi Quốc hội về vấn đề này là quá chậm, làm ảnh hưởng đến công tác thẩm tra, trình Quốc hội xem xét, quyết định. Đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo rút kinh nghiệm vấn đề này", Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho hay.
Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhất trí với Tờ trình của Chính phủ cho phép chuyển nguồn kinh phí phòng chống dịch COVID-19 năm 2021 sang niên độ ngân sách năm 2022 với số tiền là 5.016,674 tỷ đồng của 24 địa phương và hủy dự toán đối với số chuyển nguồn không thực hiện, giải ngân đến hết niên độ NSNN năm 2022.
"Đối với các địa phương chưa có báo cáo về tình hình kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 còn dư, đề nghị thực hiện đúng quy định pháp luật, cắt giảm, hủy dự toán kinh phí ngân sách địa phương còn dư theo quy định. Các địa phương bảo đảm tự sắp xếp, cân đối nguồn lực để thực hiện, không bổ sung ngân sách trung ương thực hiện nhiệm vụ này", Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nêu rõ.
Để bảo đảm đủ cơ sở pháp lý, phù hợp với thực tiễn, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội kiến nghị Quốc hội cho phép chuyển nguồn kinh phí phòng chống dịch COVID-19 năm 2021 sang niên độ ngân sách năm 2022 với số tiền là 5.016,7 tỷ đồng của 24 địa phương và bổ sung nội dung này vào Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.