Để xử lý việc thu phí tại BOT Cai Lậy, vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có quan điểm là đồng tình việc đặt thêm trạm thu phí BOT về phía đường tránh Cai Lậy. Trong 2 phương án, Bộ GTVT đồng tình với phương án đặt ở phía đường tránh.
Chiều 1/10, tại Hà Nội trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018, Bộ GTVT đã nhận được câu hỏi của các phóng viên về việc phương án này đã phải là phương án tối ưu hay chưa? Bộ GTVT có lường trước được tình huống khi làm thêm trạm thu phí ở đường tránh, có xảy ra tình trạng như trước đây là các tài xế trả tiền lẻ gây ách tắc, dẫn đến việc bế tắc xử lý ở trạm BOT Cai Lậy hay không?
Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, thực hiện thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ ngày 3/4/2018, trên cơ sở báo cáo của Bộ GTVT về xét phương án, phân tích, đánh giá, lấy ý kiến các bộ, ngành, so sánh để chọn phương án phù hợp nhất để áp dụng, từ tháng 4 đến giờ, chúng tôi đã làm việc với rất nhiều cơ quan liên quan, đặc biệt đã đi kiểm tra một số lần, làm việc với cả Thường vụ Tỉnh uỷ Tiền Giang, lãnh đạo UBND, lãnh đạo các bộ, ngành như Bộ Công an, để so sánh, phân tích, đánh giá tác động của trạm thu phí.
Theo ông Đông, Bộ GTVT đã giải thích nhiều lần, huy động BOT là một kênh thu hút vốn đầu tư và việc làm đường tránh Cai Lậy trên cơ sở là Quốc lộ 1 đi qua khu vực đó không hiệu quả, vì vậy phải làm đường tránh và làm cả hệ thống tăng cường thoát nước mặt đường của Quốc lộ 1 cũ. Do đó phải thu phí để hoàn vốn.
Việc này cũng đã được Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổng kết từ năm 2016 đánh giá nguồn lực đầu tư BOT là không trái pháp luật vì theo Nghị định 108 thực hiện Luật Đầu tư, vẫn có thể thu hút các nguồn vốn để đầu tư.
Ông Đông cho biết, việc các nhà đầu tư bỏ nguồn vốn ra để đầu tư thì phải thu phí để hoàn vốn. Đã đưa ra phương án là Nhà nước có thể mua lại nhưng Bộ GTVT đã so sánh, Nhà nước không có tiền mua và phải kêu gọi vốn. Họ đã đầu tư thì xác định nguyên tắc là phải thu hồi vốn, đánh giá tác động và chọn phương án phù hợp nhất với điều kiện.
Theo so sánh, đặt 2 trạm ở 2 tuyến, tuyến ở Quốc lộ 1 cũ hoặc tuyến ở đường tránh, thu cho phần nào hoàn vốn rồi sẽ dỡ trạm đó. Sau khi làm việc với Tiền Giang, tỉnh đề xuất phương án đặt 2 trạm để đảm bảo tính công bằng hơn.
Bộ GTVT đang tiếp tục hoàn thiện các phương án này, sẽ tiếp tục đánh giá tác động và làm việc với các cơ quan liên quan như Bộ Công an, TT&TT… để quyết định theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan đến việc ùn, tắc, mất trật tự, ông Đông cho biết, theo chỉ đạo chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, không phải chỉ riêng trạm này, tất cả các trạm thu phí BOT phải đảm bảo trật tự an ninh, có sự phối hợp với chính quyền địa phương, làm tốt công tác tuyên truyền, giao thông, đảm bảo trật tự.