Nội dung trên được nhiều chuyên gia, đại biểu nêu ra tại Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Quy định diện tích nhà ở bình quân để đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân tại TP Hồ Chí Minh, do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 13/11.
Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, dự thảo được triển khai từ năm 2014, đến nay đã qua nhiều lần nghiên cứu, bổ sung, cập nhật cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Những dự thảo trước đây đều tách quy định thành 2 khu vực gồm các quận và các huyện, với 2 mức khác nhau. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu và làm việc với đơn vị liên quan, Tổ công tác liên ngành thành phố thống nhất đề xuất diện tích bình quân để đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân tại TP Hồ Chí Minh được tính chung là 20 m2 sàn/người.
Quy định này không áp dụng đối với trường hợp đăng ký tạm trú có thời hạn và trường hợp đăng ký hộ khẩu thường trú thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 1, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú (như vợ chồng, con cái, cha mẹ về ở cùng nhau; người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, thôi việc… về ở với anh, chị, em ruột…).
Qua tổng hợp, phân tích số liệu đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, ở nhờ, mượn từ ngày 1/1/2014 đến 30/6/2017 là 23.544 hộ, với 134.227 nhân khẩu; trong đó số hộ, nhân khẩu di chuyển từ quận, huyện này đến quận, huyện khác để đăng ký hộ khẩu vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ là 11.009 hộ với 43.225 nhân khẩu, từ các địa phương khác đến thành phố là 12.535 hộ, với 44.915 nhân khẩu.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, mức bình quân tối thiểu 20 m2 sàn/người là yêu cầu quá cao so với điều kiện sống của đa số người dân nhập cư. Nhiều người đang ở trọ gần các khu công nghiệp, chủ yếu thuê phòng trọ diện tích dưới 20 m2, vừa đủ cho một gia đình 3 - 4 thành viên. Nếu theo quy định này, họ phải thuê một căn hộ diện tích 60 - 80 m2 thì sẽ không đủ chi phí. Họ cần đăng ký thường trú để được hưởng chính sách cho con đi học, nếu không đủ điều kiện đăng ký hộ khẩu thường trú họ sẽ đăng ký tạm trú. Do vậy, điều này không giải quyết được việc họ ở lại TP Hồ Chí Minh.
Cùng quan điểm trên, Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) nhìn nhận, hiện diện tích nhà dân xây dựng thêm không nhiều, chủ yếu là diện tích xây dựng các dự án bất động sản. Do vậy, người chịu tác động là người dân nên cần quy định diện tích tối thiểu thấp hơn, có thể là 16 m2/người, con số trung bình giữa mục tiêu chiến lược nhà ở quốc gia (12 m2/người) và chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố (19,8 m2/người) năm 2020.
Dù vậy, một số đại biểu ủng hộ phương án quy định tối thiểu 20 m2/người. Theo ông Phương Ngọc Thạch (Hội Khoa học kinh tế và quản lý TP Hồ Chí Minh), quy định này là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Chúng ta cần học tập các nước về chính sách ưu tiên cho người tài hoặc có vốn đầu tư. Quy định trên sẽ đảm bảo người nhập cư vào TP Hồ Chí Minh là những người có chất xám hoặc vốn đầu tư.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, mức bình quân 20 m2/người được tính dựa trên cơ sở theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020, diện tích bình quân là 19,8 m2 sàn/người; đồng thời tham khảo quy định của các thành phố khác như Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng. Quy định này là cần thiết, xuất phát từ nhu cầu đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, tránh tình trạng nhà ở có nhiều hộ, người chung hộ khẩu tại một địa chỉ, dẫn đến diện tích ở chật hẹp, không đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu, ảnh hưởng đến việc đảm bảo cơ sở hạ tầng tại địa phương.
Theo ông Trần Trọng Tuấn, Ban soạn thảo sẽ ghi nhận các ý kiến đề xuất của chuyên gia tại Hội nghị lần này để nghiên cứu và tham mưu UBND TP Hồ Chí Minh; tuy nhiên quy định diện tích tối thiểu bao nhiêu phải dựa trên các căn cứ cụ thể và phù hợp với tình hình thực tế.