Đề xuất những nhiệm vụ đột phá, trọng tâm
Phát biểu kết luận Kỳ họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban là chỉ đạo, điều phối cơ chế, chính sách pháp luật có tính liên ngành, liên vùng; nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. Do đó, quá trình tổ chức thực hiện cần thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị, làm rõ trách nhiệm thể chế hóa chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển bền vững kinh tế biển cũng như sự thay đổi của bối cảnh tình hình.
Phó Thủ tướng cho rằng, cần có những bộ chỉ số đánh giá thế nào là quốc gia mạnh về biển, bền vững về biển, các ngành kinh tế biển có lợi thế, có chuyển biến về nhận thức, chính sách liên quan đầu tư, tài chính, môi trường, huy động nguồn lực tổng hợp… từ đó, lượng hóa, đo đếm được kết quả thực hiện những mục tiêu lớn, nhiệm vụ, giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế biển.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường (Cơ quan Thường trực của Ủy ban) khẩn trương tham mưu kiện toàn thành viên Ủy ban cũng như quy chế làm việc. Các bộ quản lý chuyên ngành chịu trách nhiệm đề xuất những nhiệm vụ đột phá, trọng tâm như: Xây dựng bộ chỉ tiêu quốc gia về kinh tế biển; huy động nguồn lực; vận tải biển, logistics; nghiên cứu, điều tra tài nguyên môi trường biển; xây dựng đô thị biển; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quản trị và thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển…
Trong thời gian tới, Ủy ban khẩn trương hoàn thành quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; các bộ chỉ tiêu đánh giá việc thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Tạo diện mạo mới cho hệ thống đô thị ven biển
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, sau 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển theo Nghị quyết số 36-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 26/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, năm 2022, GRDP của 28 tỉnh/thành phố ven biển theo giá hiện hành đạt mức 4.786 nghìn tỷ đồng, chiếm 49,8% GDP cả nước. GRDP bình quân đầu người các địa phương ven biển đạt 97,2 triệu đồng, cao hơn bình quân cả nước (96,6 triệu đồng).
Du lịch và dịch vụ biển phát triển nhanh chóng, tạo diện mạo mới cho hệ thống đô thị ven biển, từng bước hình thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại, cao cấp. Kinh tế hàng hải đạt được nhiều thành tựu quan trọng, năng lực vận tải ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa. Hiện có 110 cảng với tổng năng lực thông qua trên 328,6 triệu tấn. Lĩnh vực dầu khí đóng góp khoảng 10% tổng thu ngân sách mỗi năm.
Ngành thủy sản giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quy mô ngày càng mở rộng, tốc độ tăng trưởng cao, giá trị sản xuất lớn. Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2022 đạt 5,14 triệu tấn, khai thác 3,85 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 11 tỷ USD vào năm 2022.
Bên cạnh đó, các ngành kinh tế biển mới và năng lượng tái tạo đang được đẩy mạnh, đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Cả nước có 19 khu kinh tế ven biển nằm trong quy hoạch được phê duyệt (18 khu đã được thành lập), thu hút 553 dự án nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 54,36 tỷ USD; 1.604 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 1,37 triệu tỷ đồng.
Công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển đã bước đầu đánh giá được nguồn lợi hải sản tại vùng biển ven bờ; hiện trạng đa dạng sinh học các hệ sinh thái biển; tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo… Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo được giữ vững. Hệ thống chính sách, pháp luật, quy hoạch, chiến lược về biển được rà soát, hoàn thiện, mang tư duy, quan điểm đột phá trong phát triển bền vững kinh tế biển.
Cùng với kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: Giai đoạn 2011-2022, tăng trưởng bình quân các tỉnh ven biển (6,95%/năm) thấp hơn so với cả nước (7,15%/năm). Tỷ trọng GRDP của 28 địa phương đóng góp vào GDP cả nước chưa được cải thiện. Chỉ số phát triển con người (HDI) chưa đạt mục tiêu. Đến nay một số chỉ tiêu quan trọng về kinh tế biển vẫn chưa có hướng dẫn, tiêu chí đánh giá. Các hệ sinh thái biển quan trọng ở các khu bảo tồn đang bị suy thoái, thu hẹp; đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản giảm sút, thiếu bền vững. Quy mô kinh tế biển còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế địa kinh tế...
Đẩy mạnh thí điểm, hoàn thiện thể chế
Tại Kỳ họp, các thành viên Ủy ban quốc gia đã phân tích nguyên nhân của khó khăn, tồn tại, hạn chế trong thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển như hoạt động khai thác, sử dụng biển; nhận thức về vị trí, vai trò của biển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; việc xây dựng thể chế chính sách nhằm chuyển đổi, phát triển mô hình tăng trưởng xanh; cơ chế chính sách thu hút đầu tư; chính sách ưu đãi, hỗ trợ nghiên cứu khoa học…
Phát biểu trực tuyến tại Kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Cường đề nghị đánh giá sâu rộng hơn nhiệm vụ về xây dựng thể chế kinh tế biển. Bởi đến nay, các nhiệm vụ này chưa thực sự đồng bộ và chưa tạo ra thuận lợi nổi trội cho kinh tế biển so với kinh tế chung.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, hiện còn khó khăn trong bảo đảm chất lượng thông tin đầu vào để triển khai các dự án kinh tế biển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương như ngành năng lượng, hoạt động logistics...
Đồng quan điểm, lãnh đạo thành phố Hải Phòng và các tỉnh Bạc Liêu, Quảng Trị, Thanh Hóa… kiến nghị Ủy ban chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng và ban hành hướng dẫn cụ thể việc xác định đánh giá các ngành kinh tế thuần biển, bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển và hải đảo; bộ chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh làm cơ sở giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 36; quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo...