Các lực lượng thi công tiến hành phá dỡ phần vi phạm tại tầng 19 tòa tòa nhà 8B Lê Trực. Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN |
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến Thường trực Thành ủy - HĐND, UBND thành phố Hà Nội ngày 24/6, báo cáo với Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung về tiến độ tháo dỡ các hạng mục vi phạm tại công trình này, Bí thư Quận ủy quận Ba Đình Hoàng Trọng Quyết cho biết: “Các bên liên quan đã họp nhiều lần, quyết liệt yêu cầu chủ đầu tư thực hiện, trực tiếp duyệt các phương án để phá dỡ giai đoạn 1 là xử lý toàn bộ vi phạm tầng 19. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có vướng mắc, với thẩm quyền của quận chưa đủ áp lực với chủ đầu tư. Chủ đầu tư cũng gây nhiều khó khăn, chưa thực hiện nghiêm túc mặc dù trực tiếp quận và phường đứng ra thực hiện cưỡng chế".
Đáng chú ý, theo ông Hoàng Trọng Quyết, nguồn tiền phục vụ công tác phá dỡ chủ đầu tư cố tình không đảm bảo. Trước thực tế đó, thời gian qua, quận đã báo cáo UBND thành phố.
“Nếu hết tuần này, chủ đầu tư còn cố tình không thực hiện, quận sẽ báo cáo lãnh đạo thành phố để có giải pháp mạnh hơn, có thể phong toả toàn bộ tài khoản của chủ đầu tư, hoặc cho phép quận ứng ngân sách để thực hiện phá dỡ. Sau đó sẽ tiếp tục có biện pháp để yêu cầu chủ đầu tư thực hiện. Quan điểm của quận là quyết tâm thực hiện theo các chỉ đạo của thành phố”, ông Quyết nhấn mạnh.
Kết luận về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực vừa mới đây đã xin cam kết nộp tiền vào để thành phố xử lý tháo dỡ phần sai phạm. Nếu chủ đầu tư không nộp tiền thành phố sẽ cho phép quận ứng tiền ra trước để xử lý, sau đó sẽ phạt chủ đầu tư về việc chậm nộp, chứ không thể để chậm tiến độ phá dỡ phần vi phạm.
Ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh thêm, nếu việc khắc phục hành vi vi phạm của chủ đầu tư không được thực hiện nghiêm túc, thành phố sẽ rà soát và cho dừng toàn bộ các công trình mà chủ đầu tư công trình nhà 8B Lê Trực đang thực hiện trên địa bàn thành phố.
“Thành phố rất cần các nhà đầu tư nhưng không thể chấp nhận các hành vi vi phạm pháp luật”, ông Chung nêu rõ.
Trong một diễn biến khác, trước đó vài ngày, hàng chục các hộ dân mua nhà tại dự án 8B Lê Trực lại tiếp tục đến gặp Thanh tra Bộ Xây dựng để đề nghị thanh tra bộ này báo cáo với bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ để có hướng giải quyết phù hợp.
Theo đánh giá của những hộ dân này, doanh nghiệp hiện đang phá dỡ một phần công trình 8B Lê Trực là Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hải Anh Phát không có chức năng và năng lực tư vấn, chưa được cấp giấy phép thi công phá dỡ công trình.
Doanh nghiệp cũng chưa được niêm yết trên trang điện tử của các cơ quan quản lý xây dựng chuyên ngành. Các khách hàng mua nhà cũng cho rằng phương án phá dỡ chưa được bất cứ cơ quan thẩm quyền nào như Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) thẩm tra cho ý kiến về độ an toàn của công trình sau khi phá dỡ.
Tuy nhiên, về vấn đề này, Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế Xây dựng đã có văn bản khẳng định kết cấu công trình nhà 8B Lê Trực đủ an toàn chịu lực khi thực hiện phương án phá dỡ. Đây là đơn vị được Sở Xây dựng Hà Nội giao thẩm tra phương án phá dỡ do đơn vị nhận thầu phá dỡ là Công ty Hải Anh Phát lập tháng 11/2015. Phương án này cũng đã được Công ty Cổ phần Tư vấn Công nghệ, Thiết bị và Kiểm định xây dựng thẩm định. Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản gửi UBND quận đề nghị khẩn trương tổ chức cưỡng chế.
Cụ thể, tại văn bản gửi Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội ngày 16/5, Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế Xây dựng cho biết, về cơ bản thống nhất với phương án phá dỡ do Công ty Hải Anh Phát lập và đã được thẩm định. Ở giai đoạn 1 (tầng 19), hệ kết cấu công trình trong và sau khi áp dụng phương án phá dỡ vẫn làm việc ổn định và đảm bảo an toàn theo điều kiện kiểm tra.
Viện này cũng khẳng định: Việc Công ty cổ phần tư vấn Công nghệ, Thiết bị và Kiểm định xây dựng thẩm định phương án phá dỡ do Công ty Hải Anh Phát lập là có cơ sở. Các yếu tố về kỹ thuật trong phương án phá dỡ giai đoạn 1 (tầng 19) về cơ bản đã được giải quyết. Do vậy, viện lý do chậm phá dỡ do vấn đề kỹ thuật là không có cơ sở.
Vụ việc vi phạm tại toà nhà 8B Lê Trực đã được Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội nhiều lần yêu cầu cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối với phần diện tích vi phạm. Từ đầu tháng 4/2016, Sở Xây dựng đã tiến hành kiểm tra hiện trạng và đề ra hàng loạt biện pháp đề nghị UBND quận Ba Đình, UBND phường Điện Biên, Đội Thanh tra Xây dựng quận tăng cường máy móc, lực lượng giám sát, đảm bảo việc phá dỡ đúng kế hoạch. Những ngày sau đó, công tác phá dỡ luôn đảm bảo 40 - 60m2/ngày, hàng ngày UBND phường có báo cáo đầy đủ tiến độ gửi UBND quận và Sở Xây dựng.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 5/2016, công tác phá dỡ công trình nhà 8B Lê Trực không còn đảm bảo tiến độ do một số người tự xưng là người mua nhà đến cản trở. Sở Xây dựng đã có văn bản đôn đốc, đề nghị UBND quận tập trung chỉ đạo UBND phường kiên quyết thực hiện quyết định cưỡng chế công trình này.