Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương và Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Đặng Hoàng Oanh chủ trì hội thảo.
Được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/11/2005 tại kỳ họp lần thứ 8 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2006, Luật Thanh niên đã từng bước đi vào thực tiễn, là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của thanh niên; phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên đối với đất nước; tăng cường trách nhiệm của Nhà nước, xã hội với sự phát triển của thanh niên. Tuy nhiên, từ thực tiễn hơn 12 năm thi hành, Luật Thanh niên đã bộc lộ những bất cập, thiếu tính khả thi, đặt ra yêu cầu cần được nghiên cứu, sửa đổi để phù hợp với những thay đổi của thực tiễn.
Từ những thực tế đó, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương đề nghị các đại biểu tham dự tập trung thảo luận về một số vấn đề: Quan điểm sửa đổi Luật Thanh niên theo hướng vừa là luật khung, vừa là luật cụ thể; phạm vi điều chỉnh của Luật; vấn đề quản lý Nhà nước về công tác thanh niên; mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước về công tác thanh niên…
Luật sư Nguyễn Duy Lãm, nguyên Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên theo hướng vừa là luật khung, vừa là luật cụ thể là phù hợp, cần thiết. Ông Lãm cho biết, một số quốc gia trên thế giới đã ban hành Luật Thanh niên theo hướng “luật khung”, nội dung chủ yếu là những nguyên tắc cơ bản bảo đảm thực hiện chính sách thanh niên, vì sự phát triển của thanh niên. Tuy nhiên, việc quy định cụ thể các yếu tố về nội dung chính sách, chủ thể thực hiện, giải pháp thực hiện… cũng là nhiệm vụ quan trọng cần được xác định rõ.
Đồng tình với quan điểm của Luật sư Nguyễn Duy Lãm, Tiến sĩ Hoàng Xuân Châu, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên cho rằng, việc xây dựng Luật Thanh niên theo hướng vừa là luật khung, vừa là luật cụ thể, sẽ góp phần giải mã các vấn đề của thanh niên, làm rõ hơn vai trò của Luật Thanh niên trong hệ thống pháp luật.
Tiến sĩ Châu cho rằng, Luật Thanh niên phải là công cụ được hoàn thiện trên cơ sở tạo điều kiện cho thanh niên phát triển, điều này càng đặc biệt có ý nghĩa trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giai đoạn đề cao sức sáng tạo, ý tưởng, đề xuất mới - những thế mạnh đặc thù của thế hệ trẻ.
Phát biểu tại hội thảo, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Duy Thường nêu quan điểm, Luật Thanh niên cần quy định rõ hơn về việc tạo cơ chế phát huy vai trò thanh niên trong tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, giám sát, phản biện chính sách, pháp luật đối với thanh niên, liên quan đến thanh niên.
Việt Nam có gần 24 triệu thanh niên trong độ tuổi 16 - 30, chiếm gần 26% dân số cả nước. Thanh niên là bộ phận cấu thành trong nhân dân, là lực lượng xung kích của cách mạng, của Đảng và dân tộc. Tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội là quyền, trách nhiệm của thanh niên Việt Nam. Thông qua giám sát, các buổi họp tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, các cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phường, xã với nhân dân, thanh niên có quyền giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với những vấn đề thanh niên quan tâm.