Mở đầu phiên chất vấn sáng 9/12 tại Kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố Hà Nội, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi đăng đàn trả lời hàng loạt vấn đề liên quan đến lĩnh vực giao thông như tiến độ các dự án đường vành đai, đường Văn Cao - Hồ Tây, đường 32, đường 5 kéo dài…; tiến độ di chuyển các trường đại học, bệnh viện, cơ sở sản xuất ở trung tâm và xử lý trách nhiệm cán bộ để xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trên địa bàn Thành phố.
Bệnh viện, nhà cao tầng - không di chuyển còn mọc thêm
Năm 2006, HĐND thành phố đã có Nghị quyết thông qua Đề án về các nhóm giải pháp giảm ùn tắc và tai nạn giao thông nhằm thực hiện Nghị quyết 13/2002/NQ-CP của Chính phủ; trong đó có quy định việc di chuyển bệnh viện, nhà máy, trường đại học ra khỏi khu vực nội đô. Thế nhưng, theo đại biểu Nguyễn Hoài Nam, việc thực hiện chủ trương trên không những chậm mà hiện nay trên địa bàn thành phố có rất nhiều bệnh viện “mọc” thêm như Bệnh viện Răng - hàm - mặt bên cạnh Bệnh viện Việt - Đức; Bệnh viện Tai - mũi - họng trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai... Còn khi di dời các nhà máy thì lại “mọc” lên các nhà cao tầng. “Tăng dân số cơ học ở những nơi này thì làm sao mà không tắc đường”, ông Nam phàn nàn. Câu trả lời “Trách nhiệm của thành phố đối với vấn đề trên như thế nào” chưa làm thỏa mãn các đại biểu.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi, nguyên nhân của việc di dời, dãn một số bệnh viện, trường đại học chậm là do công tác quy hoạch mạng lưới các trường đại học, bệnh viện lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế còn chậm; nguồn vốn để giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng nơi di chuyển đến lớn; chủ đầu tư các cơ sở di chuyển đi chưa có đủ điều kiện; việc xác định mức bồi thường, hỗ trợ cho nhà xưởng, thiết bị, công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu của các cơ sở sản xuất, nhà máy phải di dời…
Ông Khôi thừa nhận, đối với các trường hợp có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất của cơ sở phải di dời, để cân đối kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở mới, một số đơn vị hoặc nhà đầu tư đề nghị cải tạo, xây dựng lại theo hướng cao tầng. Điều này lại làm tăng mật độ dân cư, mật độ phương tiện đi lại trong khu vực nội đô và không phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa UBND thành phố và các bộ, ngành có cơ sở di dời chưa thường xuyên, chặt chẽ trong việc xây dựng cơ chế, chính sách về nguồn lực, quy hoạch, sử dụng đất và quá trình triển khai chuẩn bị đầu tư chậm. Một số chủ đầu tư chưa chủ động thực hiện chủ trương di dời cơ sở theo quy định, quy hoạch...
Theo kế hoạch, thành phố sẽ di dời toàn bộ 142 cơ sở phải di chuyển với tổng diện tích sử dụng đất là 260,15 ha; trong đó có 127 cơ sở sản xuất công nghiệp với diện tích 247,27 ha (56 cơ sở do Trung ương quản lý, 56 cơ sở do Thành phố quản lý, 15 cơ sở của các HTX) và 15 cơ sở sự nghiệp với diện tích 12,88 ha… Hiện mới có 22 đơn vị thực hiện di dời với 19,17 ha. Thành phố khẳng định, việc khai thác địa điểm cũ của các cơ sở y tế, giáo dục đào tạo thuộc diện di dời sẽ ưu tiên chủ yếu cho mục đích công cộng, tăng diện tích phục vụ chung cho cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân. Nếu chuyển đổi mục đích thì thực hiện thông qua hình thức đấu giá nhằm tập trung kinh phí thực hiện việc di dời.
Thiếu trầm trọng nhà tái định cư
Một trong những những giải pháp hữu hiệu để giảm ùn tắc giao thông là phải hoàn thành các tuyến đường vành đai (1, 2, 3), tuy nhiên tiến độ thực hiện các dự án này quá chậm. Đại biểu Nguyễn Tùng Lâm đặt câu hỏi: Có thể đẩy tiến độ hoàn thành đường vành đai 1 lên sớm nửa năm không? (theo kế hoạch đến năm 2016 sẽ hoàn thành) đã làm khó cho “tổng chỉ huy thành phố về lĩnh vực này”.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi cho biết, để hoàn thành dự án các đường vành đai thì phải bố trí tái định cư cho 12.800 hộ, nhưng hiện nay quỹ nhà tái định cư của thành phố mới có trên 1.300 căn hộ. Cùng với đó là việc quy hoạch chi tiết hai bên đường cũng tiến hành chậm; công tác giải phóng mặt bằng khó khăn do cơ chế, chính sách, thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế của chủ đầu tư...
Theo Phó chủ tịch Nguyễn Văn Khôi, các dự án giao thông trên địa bàn thành phố đang được tập trung thúc đẩy tiến độ và được coi là những dự án cấp bách, ưu tiên. Trước mắt, giải pháp đưa ra chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội là thành phố sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra các vị trí bố trí điểm trông giữ phương tiện ô tô, xe máy trên lòng đường và vỉa hè; đồng thời tiến hành thu hồi tất cả các vị trí dừng đỗ xe (cả không phép và có phép) gây ảnh hưởng tới giao thông trong khu vực, kết hợp giải tỏa vi phạm hành lang giao thông và thực hiện các giải pháp trật tự an toàn giao thông, vi phạm lấn chiếm hè phố, tập trung chủ yếu trên các tuyến đường nội đô, vành đai. Cùng với đó, ưu tiên phát triển xe buýt, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân; tổ chức giao thông hợp lý, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông...
lPhiên họp buổi chiều, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Ngô Thị Doãn Thanh, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua 3 Nghị quyết quan trọng bao gồm: Nghị quyết về Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp của TP Hà Nội năm 2012 và Nghị quyết về đặt, đổi tên đường phố, công trình công cộng trên địa bàn TP Hà Nội.
Thanh Bình