Dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 5 đã gây sự chú ý đặc biệt của dư luận. Nhiều ý kiến nhận định, lãng phí đang là vấn đề rất lớn trong đời sống xã hội, thậm chí mức độ nguy hại của nó còn hơn cả tệ nạn tham nhũng. Cử tri, nhân dân bất bình với tình trạng lãng phí, bởi đó là một trong những nguyên nhân kìm hãm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế cũng như sự phát triển của đất nước.
Đã một thời gian dài, dư luận nói nhiều đến lãng phí, cũng như nói nhiều đến tham nhũng. Đã có nhiều giải pháp được đưa ra, đặc biệt là có cả đạo luật nhằm ngăn chặn nó (Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí), nhưng căn bệnh này không những không giảm, mà có nguy cơ ngày càng trầm trọng, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Nguy hại hơn cả là trong lĩnh vực đầu tư công, một trong năm lĩnh vực mức độ lãng phí được đánh giá là nghiêm trọng. Mặc dù đã có những quy định rất chặt chẽ trong việc sử dụng kinh phí, tài sản công với danh mục, tiêu chí, tiêu chuẩn rất cụ thể, ai chi vượt ra ngoài thì chịu trách nhiệm, tự bỏ tiền túi ra đền. Thế nhưng việc thực thi và giám sát lại thiếu chặt chẽ, kết cục là khi để xảy ra lãng phí, vẫn chẳng ai phải chịu trách nhiệm và bị xử lý kỷ luật cả.
Nhiều người nhận xét, lãng phí trong đầu tư công là căn bệnh nan y, không chỉ gây thiệt hại cho nền kinh tế, mà còn tác động tiêu cực đến nhiều mặt trong đời sống xã hội. Hiện nay, ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước vẫn còn rất nhiều dự án dở dang, kéo dài, không đảm bảo tiến độ, chậm đưa công trình, dự án vào sử dụng, gây thất thoát, lãng phí lớn ngân sách Nhà nước. Rồi các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp xây dựng tràn lan, cảng sông, cảng biển, sân bay, sân golf làm quá nhiều, chồng lấn nhau; chuyện đất bờ xôi ruộng mật của nhà nông bị trưng dụng rồi để hoang hóa; chuyện hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng đổ xuống sông xuống biển trong các dự án đầu tư của một số "đầu tàu" của nền kinh tế… đã để lại nhiều bài học đau lòng về sự lãng phí.
Để Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào đời sống, thì quy định trách nhiệm và xử lý những người gây ra lãng phí cần phải nghiêm minh hơn, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Nếu trách nhiệm không rõ ràng, biện pháp không đủ mạnh, chế tài không đủ nghiêm, thì việc xử lý sẽ không có kết quả. Vì vậy, chống lãng phí cần được thực hiện ở một cấp độ mới, cao hơn, quyết liệt hơn và trước hết là việc thay đổi tư duy của người dân và cả xã hội đối với tệ nạn này. Đã đến lúc phải thẳng thắn nhìn nhận tình trạng lãng phí ở nước ta đã đến mức báo động đỏ. Thay vì coi lãng phí như một thứ tệ nạn xã hội, một biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, cần nhìn nhận lãng phí là tội ác, là quốc nạn. Bởi thực tế, lãng phí lan tràn trên diện rộng đã và đang gây ra những hệ lụy không thể đo đếm cho sự phát triển của đất nước.