'Điện Biên Phủ: Kể lại một sử thi'

"Điện Biên Phủ: Kể lại một sử thi" là nhan đề một bài viết được hãng thông tấn Prensa Latina đăng tải ngày 7/5 nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" của quân và dân ta.

Chú thích ảnh
Bài viết “Điện Biên Phủ: kể lại một sử thi” được Hãng Thông tấn Mỹ Latinh Prensa Latina đăng tải ngày 7/5. 

Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, nhà báo Moisés Pérez Mok - Trưởng cơ quan thường trú của Prensa Latina tại Hà Nội, mở đầu bài viết đầy cảm xúc: "Tiếng vang của những phát súng cuối cùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn vang vọng khi người cha của nền độc lập dân tộc Việt Nam thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang".

Khi chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư chúc mừng đến toàn thể cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên. Trong thư, Bác gửi lời chào thân ái tới các đồng chí thương binh, toàn thể cán bộ và chiến sĩ toàn quốc đã quyết tâm giành được thắng lợi. Tuy nhiên, với sự khiêm tốn và lỗi lạc, Người đã cảnh báo trong thư rằng "Thắng lợi tuy lớn, nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch…".

Nhà báo Pérez Mok khẳng định Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả của sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, kết hợp với sức mạnh của quân đội và tinh thần yêu nước của hàng vạn người Việt Nam, trong đó có nhiều người đã hy sinh ở các chiến trường.
Nhà báo kỳ cựu của Prensa Latina nhấn mạnh rằng minh chứng rõ nét nhất cho khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam trong chiến thắng vẻ vang này là sự tham gia của hơn hai vạn dân công hỏa tuyến với chiếc xe đạp được cải tiến thành xe thồ để tiếp viện không gián đoạn cho tiền tuyến.

Hàng nghìn tấn lương thực, thuốc men, vũ khí bảo đảm hậu cần được vận chuyển dọc theo gần 1.500km đường hiểm trở bằng xe đạp thồ - "vua vận tải" trên chiến trường Điện Biên Phủ. Hàng vạn chiếc xe đạp đã được sửa đổi và gia cố để có thể chở được hơn 150 kg, tương đương với khả năng mang vác của 5 người, tốc độ nhanh hơn và có thể vận chuyển được các vật liệu cồng kềnh, chất lỏng như xăng, dầu.

Nhiều kỷ lục không thể tượng tượng được như việc "kiện tướng xe đạp thồ" Ma Văn Thắng có chuyến chở khoảng 350 kg hàng, gấp 13 lần một người gồng gánh, hay dân công Cao Văn Tỵ vận chuyển 320kg mỗi chuyến.

Theo Prensa Latina, nhờ sự kết hợp hiểu quả của các yếu tố nêu trên, ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam đã tung bay trên nóc hầm của sở chỉ huy quân Pháp tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, báo hiệu kết thúc toàn thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Thế nhưng, để đánh đuổi thực dân, Việt Nam đã phải hy sinh một thế hệ những người con ưu tú nhất, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng chia sẻ. Chiến thắng chống thực dân Pháp đã tạo điều kiện thuận lợi vô cùng cho dân tộc Việt Nam đánh bại Đế quốc Mỹ xâm lược ở mặt trận phía Nam, giành độc lập và thống nhất đất nước.

Chiến dịch Điện Biên Phủ vang dội đã mở đường cho việc ký kết Hiệp định Geneve tháng 7/1954 nhằm chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, loại bỏ sự hiện diện của quân đội Pháp ở Đông Dương và lập lại hòa bình trong khu vực. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã gióng hồi chuông cáo chung chủ nghĩa thực dân cũ.
 

Bài và ảnh: Mai Phương (TTXVN)
Kỷ niệm trọng thể 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại LB Nga
Kỷ niệm trọng thể 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại LB Nga

Ngày 7/5, Đại sứ quán Việt Nam ở LB Nga đã phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật người Việt Nam tại LB Nga đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN