Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Quốc tế với chủ đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại”. Báo Tin Tức trích đăng 2 trong số 52 tham luận của các nhà khoa học trong và ngoài nước, với những phân tích sâu sắc về ý nghĩa thời đại của chiến thắng lịch sử này.
Ý nghĩa thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ
Mọi sự kiện lịch sử chỉ có thể được nhận thức đầy đủ về tầm vóc và ý nghĩa khi được đặt trong dòng chảy liên tục của thời gian và phân tích trong sự vận động và phát triển của lịch sử. Theo nghĩa như vậy, Chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam là một sự kiện lịch sử trọng đại.
Không dân tộc nào áp đặt dân tộc nào
Thắng lợi của nhân dân Việt Nam ở Điện Biên Phủ không chỉ là thắng lợi của khát vọng độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam, mà còn là khát vọng của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới, là một giá trị phổ quát của nhân loại tiến bộ. Cố Tổng thống Mỹ J. Kennedy đã gián tiếp thừa nhận: “Cách mạng giải phóng dân tộc là một sự kiện cơ bản của thời đại chúng ta. Sức mạnh to lớn nhất trên thế giới, đó là lòng khát khao vươn lên độc lập dân tộc... Eisenhower đã phải chịu những hậu quả chính trị của Điện Biên Phủ và sự tống cổ những người phương Tây khỏi Việt Nam năm 1954”.
GS. Phan Huy Lê (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) tham luận tại hội thảo khẳng định vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Việt Hoàng |
Trước trận Điện Biên Phủ, trong suốt 500 năm lịch sử chế độ thuộc địa, chưa từng có một nước thuộc địa nào đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của một đế quốc lớn, chưa có một nước thuộc địa nào dùng phương pháp hòa bình buộc được các nước cai trị thuộc địa trao trả độc lập thực sự. Trong cuốn sách “Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp”, tác giả Jules Roy, ký giả kiêm sử gia, nguyên đại tá quân viễn chinh Pháp, nhận xét rằng: “Trên toàn thế giới, trận Waterloo cũng ít có tiếng vang hơn. Điện Biên Phủ thất thủ gây ra một sự kinh hoàng ghê gớm. Đó là một trong những thất bại lớn của phương Tây, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hòa. Tiếng sấm của sự kiện Điện Biên Phủ vẫn còn âm vang”.
Năm 1964, kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”. Điện Biên Phủ còn như một “điểm hẹn tất yếu” mà lịch sử dành cho số phận của những cuộc chiến tranh xâm lược trong thời đại ngày nay. Rằng, bất cứ dân tộc nào áp đặt ý muốn của mình lên dân tộc khác, cuối cùng nhất định sẽ thất bại.
Chính vì lẽ đó, không phải ngẫu nhiên các chính trị gia, các tướng lĩnh, các nhà sử học, các ký giả quốc tế đều đánh giá rất cao về chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong bài viết nhân Kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, trên tờ Thời báo New York, ngày 7/5/1984, Dreen Meddenton, ký giả người Mỹ viết: “Đây là một trong 16 trận tạo ra bước ngoặt trong chiến tranh hiện đại thế kỷ XX, có tác dụng làm thay đổi chiều hướng lịch sử chiến tranh”. Giáo sư Carl Thayer, người có nhiều năm nghiên cứu lịch sử - chính trị Việt Nam, đánh giá: “Chiến thắng Điện Biên Phủ gửi đi một thông điệp: Việt Nam sở hữu một nghệ thuật quân sự có thể đánh bại bất kỳ đạo quân xâm lăng nào và lịch sử Việt Nam đã chứng minh điều đó”.
Kết tinh trí tuệ, văn hóa dân tộc
Chiến thắng Điện Biên Phủ ghi dấu trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam - một quân đội phát triển “từ con số 0”, đến thời điểm đó mới tiêu diệt được từng tiểu đoàn địch phòng ngự trong công sự vững chắc và thường chỉ đánh trong đêm, nhưng ở Điện Biên Phủ, cũng những chiến sĩ đó đã tiêu diệt 21 tiểu đoàn (đại bộ phận là lực lượng tinh nhuệ nhất của Pháp) phòng ngự trong tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương khi đó, với 8 trung tâm đề kháng, 49 cứ điểm được xây dựng kiên cố, được tiếp viện bằng máy bay. Sau này Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cho biết: “Trong quá trình kháng chiến chống Mỹ, hàng triệu thanh niên lên đường vào Nam chiến đấu, trong đó hàng vạn “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” đã lập công xuất sắc. Hàng ngàn “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” đã tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trong đó có 3 trong 4 Tư lệnh Quân đoàn từng là Trung đoàn trưởng chiến đấu ở Điện Biên Phủ”.
Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ đã làm cho ba tiếng “Điện Biên Phủ” trở thành biểu tượng của sức mạnh Việt Nam. Chiến thắng vĩ đại đó có nguồn gốc sâu xa là truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần độc lập, tự chủ, ý chí quật cường, bất khuất, trí thông minh, sáng tạo, tình đoàn kết nhân ái.
Theo tác giả Jules Roy: “Không phải viện trợ bên ngoài đã đánh bại Tướng Na-va mà chính là những chiếc xe đạp Pơ-giô thồ 200 - 300 kg hàng và đẩy bằng sức người, những con người ăn chưa đủ no và ngủ thì nằm ngay dưới đất trải tấm ni-lông. Cái đã đánh bại Tướng Na-va không phải là phương tiện, mà là sự thông minh và ý chí của đối phương”.
Tâm và tầm của đội ngũ lãnh đạo
Chiến thắng Điện Biên Phủ, là sự kết tinh trí tuệ, bản lĩnh của Đảng, với một bộ chỉ huy thao lược, tài ba gồm những cá nhân xuất sắc. Sự lãnh đạo đó không những thể hiện ở đường lối chính trị và đường lối quân sự đúng đắn, ở sự chỉ đạo chiến lược và chiến thuật tài tình trên chiến trường mà điều quan trọng còn thể hiện ở vai trò tiên phong hy sinh, gương mẫu của những người đảng viên. Ngày nay, công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh tình hình mới càng đòi hỏi vai trò tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên để bảo đảm thành công.
Sức mạnh Điện Biên Phủ được tôn lên từ những chỉ đạo, quyết định mang tính chiến lược, trên cơ sở tôn trọng thực tế, nắm vững quan điểm thực tiễn, không chủ quan duy ý chí, luôn bám sát sự phát triển của thực tiễn, khi tình hình đã thay đổi. Nghĩa là “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Bài học sâu sắc về lãnh đạo và chỉ huy trong chiến dịch Điện Biên Phủ đến nay vẫn có ý nghĩa lớn khi chúng ta đang phát huy tinh thần “Điện Biên Phủ”, nêu cao lòng yêu nước, tinh thần độc lập tự chủ, ý chí tự lực tự cường, quyết tâm vượt qua thách thức, phát huy trí thông minh sáng tạo, dám nghĩ dám làm để làm nên nhiều “Điện Biên Phủ mới” trong sự nghiệp xây dựng đất nước, trên nhiều lĩnh vực kinh tế, khoa học, giáo dục, văn hóa, xã hội...
Bài học thực tiễn và sức sáng tạo của Điện Biên Phủ sống mãi. Đó là bài học gắn lý luận với thực tiễn; coi thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý; xuất phát từ thực tiễn, phân tích, phát hiện, nắm bắt đúng đắn những xu hướng phát triển mới, ứng phó với những biến động nhanh và phức tạp của tình hình thế giới và trong nước; là bài học không chủ quan, duy ý chí, không bảo thủ, giáo điều hay do dự, ngập ngừng. Chỉ như thế, mới có thể đưa công cuộc đổi mới đến thành công.
PGS, TS. VŨ VĂN PHÚC
------------
Các tít nhỏ do Tòa soạn đặt