Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, ngành da, giày, túi xách là ngành công nghiệp chủ lực, có vai trò rất quan trọng, đóng góp lớn vào xuất khẩu, rất phù hợp với điều kiện, khả năng của Việt Nam. Chính phủ sẽ tiếp tục điều chỉnh chính sách phát triển ngành da, giày, túi xách và các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.
Đánh giá cao sự phát triển của ngành thời gian qua, tuy nhiên Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, hoạt động gia công để xuất khẩu vẫn chiếm tỉ lệ lớn trong ngành, với trên 70% doanh nghiệp tham gia. Nguồn cung nguyên, phụ liệu chủ yếu là từ nước ngoài, dây chuyền, thiết bị còn chưa đồng bộ. Những yếu tố này đẩy giá thành sản phẩm lên cao, làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, để phát triển ngành da giày thành ngành có giá trị sản xuất lớn, sức cạnh tranh cao trong bối cảnh hội nhập kinh tế, phải phát triển một cách mạnh mẽ các ngành công nghiệp hỗ trợ ngành da giày.
“Trong quá trình đó, Hiệp hội có vai trò rất quan trọng, là cầu nối giữa doanh nghiệp với nhau, doanh nghiệp với Nhà nước. Hiệp hội phải chủ động liên hệ với các bộ, ngành Trung ương để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh”, Phó Thủ tướng nói.
Đồng thời, phải động viên, khuyến khích, hướng dẫn các doanh nghiệp ưu tiên đầu tư cho khâu nghiên cứu, phát triển. Các doanh nghiệp có thể liên danh, liên kết với nhau để tạo ra các trung tâm R&D quy mô, hiện đại. Hiệp hội Da, Giày, Túi xách cũng phải có một trung tâm R&D lớn để hỗ trợ các doanh nghiệp quy mô nhỏ, chưa đủ điều kiện. “Đây là yếu tố quyết định để có thể nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm, là cốt lõi của việc phát triển ngành da giày Việt Nam”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng gợi ý tỉnh Bình Dương và các địa phương nghiên cứu xây dựng một số khu, cụm công nghiệp tập trung ngành da giày để có thể phát huy tối đa hiệu quả của cơ sở hạ tầng, công nghệ, trang thiết bị.
Đối với lĩnh vực đào tạo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Công Thương, Hiệp hội và các doanh nghiệp da giày có sự phối hợp chặt chẽ để xây dựng mới, phát triển, đổi mới các cơ sở đào tạo, nghiên cứu hiện có. Trước mắt, có thể liên kết, xây dựng mô hình mẫu, đưa những cơ sở nghiên cứu của Nhà nước đến với doanh nghiệp.