Trước đó, Tổ giúp việc Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã làm việc với 9 đơn vị của tỉnh Sóc Trăng gồm: Ban Nội chính, Ủy ban Kiểm tra, Thanh tra, Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Cục thi hành án, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thành ủy Sóc Trăng. Từ kết quả làm việc, Đoàn công tác đã xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Sóc Trăng trong năm 2019.
Theo báo cáo của Đoàn công tác, thời gian qua, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã quan tâm quán triệt, triển khai các văn bản của Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X); Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”; Kết luận của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng năm 2018… qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên đối với công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã được quan tâm; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai quyết liệt như công tác cải cách hành chính đối với các quy định về thủ tục, trình tự, các loại giấy tờ cần thiết khi đến liên hệ và thời gian giải quyết, trả kết quả, lịch tiếp công dân; việc công khai, minh bạch phân bổ dự toán, tình hình và kết quả sử dụng kinh phí ngân sách, sử dụng tài sản, trang thiết bị, mua sắm trang thiết bị; công khai kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn…
Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng được quan tâm; công tác kiểm tra, thanh tra, tự kiểm tra, tự thanh tra đã phát hiện các sai phạm, bước đầu đã xử lý một số trường hợp (gồm cả kỷ luật Đảng và chuyển cơ quan điều tra). Việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được quán triệt, chỉ đạo nghiêm túc.
Bên cạnh đó, kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng và sai phạm về kinh tế qua công tác thanh tra, giải quyết đơn thư, phản ánh, tố cáo đã có chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh đã triển khai 48 cuộc thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, thu, chi tài chính ngân sách, xây dựng cơ bản. Qua đó đã phát hiện 23 đơn vị sai phạm, thu hồi gần 7,6 tỉ đồng, đạt 96,6% tổng số tiền sai phạm. Việc tiến hành kiến nghị xử lý hành chính đối với tập thể, cá nhân có sai phạm được triển khai nghiêm túc, theo đúng quy định của pháp luật.
Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Phan Văn Sáu cho biết, Sóc Trăng đã thành lập, duy trì Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống tham nhũng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản và quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành triển khai công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong đó chú trọng các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Lãnh đạo các cấp, ngành trong tỉnh tiếp tục thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng chống tham nhũng; đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, chống tham nhũng, lãng phí, nhất là kiểm tra, giám sát thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Ghi nhận, đánh giá cao về những nỗ lực, cố gắng của đảng bộ, chính quyền, người dân các dân tộc trong tỉnh Sóc Trăng thời gian qua, nhất là đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng tại địa phương, đặc biệt là việc triển khai công tác phòng chống tham nhũng, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, nhấn mạnh: Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, sự vào cuộc tích cực của Ban Chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng tỉnh, công tác kiểm tra, tự kiểm tra, thanh tra; việc công khai, minh bạch trong hoạt động được nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện; việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu được quán triệt, chỉ đạo triển khai nghiêm túc, từ đó chấn chỉnh lề lối, tác phong, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, huy động sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân đối với công tác phòng chống tham nhũng.
Theo ông Trần Thanh Mẫn, đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài; là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và của cả hệ thống chính trị. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên và cơ quan báo chí đã tích cực vận động nhân dân tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ. Từ những kết quả này, tham nhũng từng bước được kiềm chế, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng được tăng cường, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, góp phần củng cố vững chắc niềm tin trong nhân dân và đưa đất nước ngày càng phát triển...
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng năm 2018 đã đánh giá: Công tác tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, cấp, ngành, làm cản trợ sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong dư luận, là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước. Công tác tuyên truyền, giáo dục hiệu quả chưa cao; chưa tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, công chức và người dân về phòng chống tham nhũng; trách nhiệm người đứng đầu chưa được phát huy; việc thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp…
Để công tác phòng chống tham nhũng tỉnh Sóc Trăng đạt hiệu quả và phát huy dân chủ hơn nữa, ông Trần Thanh Mẫn yêu cầu Tỉnh ủy cần quyết liệt triển khai Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các Kết luận, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Kết luận của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng năm 2018 và tại các phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo theo hướng chú trọng về chất lượng, nội dung. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan báo chí phải cùng vào cuộc để huy động sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân. Cùng với đó, việc xem xét, trả lời yêu cầu, kiến nghị của cử tri theo đúng quy định của pháp luật cần được chú trọng hơn nữa.