Đánh giá cao những kết quả mà Yên Bái đã đạt được trong thực hiện Nghị quyết 37 và Kết luận 26 của Bộ Chính trị, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, thành công của Nghị quyết 37 đã xác định được tư duy và tầm nhìn đúng, tạo động lực cho vùng phát triển và Yên Bái định vị được vị trí của mình trong phát triển chung của vùng.
Tỉnh Yên Bái đã rất cố gắng, nỗ lực thực hiện hiệu quả kinh tế rừng, lấy rừng là trung tâm và động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh. Nhiều chỉ tiêu phát triển vượt xa so với mục tiêu nghị quyết đề ra; kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực, đời sống vất chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Cùng với đó, Yên Bái cũng rất nỗ lực để nâng cao chỉ số hài lòng của người dân về chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc cho nhân dân.
Tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của tỉnh Yên Bái, đoàn công tác sẽ bổ sung vào báo cáo của Trung ương, đồng thời đề xuất các quan điểm, định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển vùng cho giai đoạn tới trong bối cảnh mới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy khẳng định: Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và các văn bản triển khai của Trung ương đã tạo cơ sở chính trị cho việc ban hành các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, gia tăng nguồn lực, tạo động lực tác động tích cực, mở ra cơ hội cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng, giúp mỗi địa phương định vị được hướng đi riêng, phù hợp với điều kiện thực tế.
Yên Bái đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với nhiều sản phẩm chủ lực, đặc sản; lâm nghiệp phát triển theo hướng đa mục tiêu. Sản xuất công nghiệp từ việc đẩy mạnh công nghiệp khai khoáng, đến nay đã tập trung phát triển theo hướng phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, chế biến sâu, công nghiệp phụ trợ.
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cũng đề xuất, kiến nghị các nội dung mang tính bao quát chung của cả vùng về quy hoạch và định hướng phát triển vùng; xem xét, nghiên cứu có thể hình thành một thể chế điều phối, kết nối vùng; đồng thời, đề nghị đoàn công tác kiến nghị Trung ương cần có cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của vùng; về phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu và vấn đề quản lý, sử dụng đất…
Theo báo cáo của UBND tỉnh Yên Bái, sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 37 và gần 10 năm thực hiện Kết luận 26 của Bộ Chính trị, kinh tế của tỉnh duy trì được đà tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực và tăng nhanh về quy mô, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp tăng hơn 6 lần, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,6 lần, thương mại - dịch vụ tăng 13,5 lần.
Thu ngân sách năm 2020 của tỉnh gấp 15 lần so với năm 2004. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2020 tăng 12 lần so với năm 2004. Yên Bái là điểm sáng trong khu vực Tây Bắc về xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh có 78/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành mục tiêu nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Trong 10 tháng năm 2021, tỉnh đã chủ động, tích cực, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, giữ vững "vùng xanh" an toàn trên bản đồ dịch COVID-19. Kinh tế - xã hội 10 tháng của tỉnh đạt được những kết quả tích cực. Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 101,7% kế hoạch; tổng đàn gia súc chính đạt 96,2% kế hoạch; hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2021. Sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,2% so với cùng kỳ, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá hiện hành) tăng 11,6% so với cùng kỳ. Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 2.857,3 tỷ đồng, bằng 71,4% kế hoạch, tăng 24,1% so với cùng kỳ...