Tại buổi làm việc, Đoàn đã trao đổi các nội dung liên quan đến công tác đánh giá cán bộ, sản phẩm cụ thể của việc đánh giá cán bộ; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tình hình an ninh trật tự tại địa phương; những bài học kinh nghiệm rút ra trong công tác xuất khẩu bưởi sang thị trường Mỹ; việc phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, sạch; những khó khăn, thách thức trong việc liên kết, kết nối vùng của địa phương, cũng kinh nghiệm trong quá trình thu hút đầu tư...
Phát biểu tại buổi làm việc, Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn đánh giá cao những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bến Tre; đồng thời lưu ý địa phương trong định hướng phát triển phải cân nhắc, tính toán cho thật phù hợp, tránh những hậu quả không tốt cho sự phát triển. Đặc biệt, tỉnh cần quan tâm đầu tư công nghiệp sạch, ít chất thải, gắn với vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cũng cảm ơn những chia sẻ rất thực tế của tỉnh Bến Tre trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đây là bài học kinh nghiệm, để khi tổng kết, đánh giá có những đề xuất giải pháp thực hiện chính sách. Qua những thông tin, chia sẻ của tỉnh Bến Tre, cũng chính là cơ sở để Đoàn công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương nghiên cứu làm tốt công tác tham mưu về cơ chế, chính sách sát với thực tiễn.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ đã báo cáo với Đoàn về tình hình và kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI; một số mô hình trong quản lý, đối mới mô hình, cơ cấu kinh tế trong công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, chính quyền, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và những định hướng phát triển tỉnh giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Tỉnh Bến Tre cũng đề xuất Hội đồng Lý luận Trung ương cần nghiên cứu và có chính sách về đất đai cho phù hợp, tạo điều kiện xây dựng vùng sản xuất tập trung; quan tâm đến việc phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, miền, khu vực địa phương. Đối với Bến Tre cần tạo điều kiện để mở rộng, phát triển về hướng Đông, phát triển kinh tế biển, xây dựng khu vực phía Đông thành khu kinh tế biển phát triển năng động và là khu vực động lực mới của tỉnh. Qua đúc kết từ thực tiễn, tỉnh cũng kiến nghị Trung ương quan tâm tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các dự án điện gió. Đối với công tác xây dựng Đảng, tỷ lệ phát triển đảng viên hàng năm, tỉnh cũng đề nghị cần đẩy mạnh phát triển đảng viên trong đối tượng người lao động và công nhân; quan tâm công tác đào tạo, quy hoạch phát triển đảng viên và có những quy định riêng nhằm hỗ trợ đối tượng đảng viên công nhân...
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, hiện nay người dân Bến Tre sở hữu diện tích đất nhỏ lẻ, manh mún, gây khó khăn trong phát triển kinh tế. Do đó, tỉnh Bến Tre đã tuyên truyền, vận động hình thành vùng sản xuất tập trung, tạo sự liên kết thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã. Cho nên, trong chính sách đất đai cần quan tâm đến yếu tố liên kết không dừng lại nội bộ người dân cùng xã, huyện mà vượt xa hơn là hình thành vùng sản xuất tập trung vượt phạm vi vùng, nhiều tỉnh. Có như thế mới tạo ra được sản phẩm số lượng lớn, chất lượng đồng đều, áp dụng cùng quy trình sản xuất, xây dựng các tiêu chuẩn…, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu vào các thị trường khó tính trên thế giới.
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy Bến Tre đã có chủ trương mở rộng không gian phát triển về hướng Đông, lấn biển, phát triển đô thị, dịch vụ, cảng biển, năng lượng sạch, điện gió, hydro xanh. Chính phủ cần có chủ trương lấn biển cho các tỉnh hướng Đông sẽ mở ra hành lang rộng lớn ven biển; đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, từng bước hình thành khu kinh tế biển; xây dựng khu vực phía Đông trở thành khu kinh tế biển phát triển năng động và là khu vực động lực mới của tỉnh Bến Tre, cũng như các tỉnh ven biển trong khu vực.