Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN |
Báo cáo với Đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2017, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực trên các mặt, chất lượng nền kinh tế gia tăng, đời sống của nhân dân được cải thiện so với trước. Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm tăng 6,% so với cùng kỳ năm trước, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.
Công tác đầu tư xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng có nhiều cố gắng; việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư được tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả, do đó hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có nhiều kết quả tích cực. Thu ngân sách Nhà nước ước 6 tháng đầu năm đạt 64,8% dự toán và tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với Dự án đường cao tốc Bắc Nam (đoạn qua địa bàn Bình thuận), hiện nay, mặt đường quốc lộ 1A đoạn Phan Thiết – Đồng Nai rất hẹp, không có dải phân cách giữa, một số vị trí có yếu tố kỹ thuật bị giới hạn như cầu hẹp, nhiều đoạn cong cua liên tiếp. Đặc biệt, đây là đoạn cuối của quốc lộ 1 đến Thành phố Hồ Chí Minh nên lưu lượng lưu thông rất lớn, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên, khi xảy ra tai nạn thì gần như giao thông bị tắt nghẽn hoàn toàn trong thời gian dài vì không có tuyến tránh nào khác. Theo số liệu thống kê trong 3 năm (2014 – 2016) và 6 tháng đầu năm 2017, tuyến quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Bình Thuận đã xảy ra 569 vụ tai nạn giao thông, làm chết 417 người, bị thương 299 người.
Do vậy, việc sớm đầu tư xây dựng đường cao tốc qua địa bàn tỉnh Bình Thuận đặc biệt là đoạn tuyến Dầu Giây – Phan Thiết là hết sức cần thiết và bức xúc, nhằm đáp ứng nhu cầu lưu thông đi lại đang tăng cao trong khu vực, giảm tải lưu lượng, hạn chế ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông trên tuyến quốc lộ 1, rút ngắn thời gian đi từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đến Bình Thuận, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho Bình Thuận và khu vực.
Đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, đến nay đã hoàn tất các thủ tục thông báo thu hồi đất, kiểm kê tài sản, xét pháp lý nguồn gốc đất và cơ bản phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ bị giải tỏa với 541 hồ sơ, diện tích thu hồi 287 ha, trong đó có 28 hộ phải tái định cư tập trung, kinh phí trên 218 tỷ đồng. Đồng thời, để bố trí tái định cư cho các hộ dân có nhà ở, đất ở bị thu hồi, tỉnh đã triển khai đầu tư Khu tái định cư xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam với kinh phí đầu tư 5,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay Bộ Giao thông vận tải chưa bố trí kinh phí để chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân, tổ chức có đất bị thu hồi.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua, đặc biệt là những kết quả về thu ngân sách, phát triển du lịch… Đồng chí Vũ Hồng Thanh đề nghị Bình Thuận tiếp tục phát huy những lợi thế, vận dụng các giải pháp đồng bộ để hoàn thành tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm. Trong đó, cần tập trung rà soát tình hình thực hiện các quy hoạch; xem xét cập nhật điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với xu hướng, tình hình thực tế của địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án. Bên cạnh đó, cần ưu tiên phát triển du lịch, vì đây là thế mạnh của tỉnh; chú ý phát triển nguồn năng lượng sạch như: điện mặt trời, điện gió… Đối với những kiến nghị của tỉnh về xây dựng đường cao tốc và vấn đề kinh tế - xã hội, Đoàn sẽ ghi nhận, tổng hợp và trình Quốc hội xem xét.