Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Trước tiên, xin chúc mừng bà được Đại hội tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khóa XI, nhiệm kỳ 2022-2027. Trên cương vị Chủ tịch Trung ương Hội, bà muốn gửi thông điệp gì đến cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ trong cả nước?
Có thể nói Đại hội đại biểu Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI đã rất thành công, hoàn thành các nhiệm vụ đề ra. Sự thành công của Đại hội không chỉ khẳng định vị trí của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, mà một lần nữa giúp chúng ta biết đến, nhận thức một cách đầy đủ về sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, Bộ, ngành dành cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Trong không khí thành công của Đại hội XI, tôi muốn gửi đến cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ cả nước thông điệp hãy đoàn kết, đồng lòng để cùng chung tay thực hiện nhiệm vụ nhân đạo của đất nước. Để làm sao mỗi người dân, mỗi hoàn cảnh, mỗi vụ thiên tai, thảm họa xảy ra ở địa bàn đều có sự có mặt sớm nhất, kịp thời nhất của cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ. Chúng ta cống hiến không mệt mỏi vì hạnh phúc của mọi người, sự tiến bộ, công bằng của xã hội cũng như làm sao để mỗi người dân Việt Nam "không bị bỏ lại phía sau" trong quá trình phát triển.
Chắc hẳn bà vẫn còn những băn khoăn và mong muốn cần thực hiện trong công tác nhân đạo thời gian tới?
Tôi còn thấy băn khoăn, trăn trở về hai vấn đề. Thứ nhất là làm sao để hoạt động nhân đạo có một đầu mối thống nhất, minh bạch và tránh chồng chéo. Tất nhiên nhiều lực lượng cùng làm thì càng tốt nhưng cần có một đơn vị điều phối. Hiện có tình trạng một kết quả, một địa chỉ nhân đạo nhưng nhiều cơ quan cùng báo cáo đây là thành tích hỗ trợ, giúp đỡ của mình. Tôi nghĩ cần có sự rõ ràng trong việc này.
Tôi muốn trong nhiệm kỳ này sẽ tập trung làm rõ cơ chế phối hợp trong hoạt động nhân đạo. Ai cũng có thể làm nhân đạo nhưng cần có tổ chức, có sự phân công để tránh chồng chéo, lạm dụng, tự phát, tạo ra sự minh bạch, rõ ràng cho hoạt động nhân đạo
Thứ hai tôi thấy sức mạnh của Hội Chữ thập đỏ nằm nhiều ở hoạt động của lực lượng tình nguyện viên, hội viên, những người làm nhân đạo trong cả nước. Do đó vấn đề là làm sao để kết nối, phát huy được vai trò của lực lượng này; làm sao để trong tim mỗi người luôn có mong muốn làm thiện nguyện và khi đó họ sẽ tìm tới một tổ chức để gửi gắm sự tin cậy. Tôi mong muốn có sự kết nối rõ ràng, minh bạch để huy động được sức mạnh của cả xã hội cho những mục tiêu nhân đạo của đất nước.
Để giải quyết những vấn đề trên cũng như nhanh chóng triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Chữ thập đỏ toàn quốc lần thứ XI có hiệu quả, các cấp Hội sẽ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp gì, thưa bà?
Để giải quyết những vấn đề đặt ra đầu tiên chúng tôi xác định hai khâu đột phá: Vận động chính sách liên quan đến tổ chức và hoạt động Hội, chủ trì cùng MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên xây dựng cơ chế phối hợp trong hoạt động nhân đạo; Phát triển mạnh mẽ lực lượng tình nguyện viên, hình thành mạng lưới tổ, nhóm thiện nguyện trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo.
Trong nhiệm kỳ này, chúng tôi sẽ tập trung vào hai nhóm đối tượng là ngư dân nghèo khó khăn và trẻ em nghèo khuyết tật. Đây là hai nhóm đối tượng mà chúng tôi cho rằng cần có sự quan tâm nhiều hơn. Do đó, ngoài sự hỗ trợ chung cho những người nghèo, người khó khăn để "không ai bị bỏ lại phía sau", chúng tôi dành sự sự ưu tiên cho hai nhóm này thông qua việc xác định hai chương trình trọng điểm: "An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn" và "Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật".
Như các bạn đã biết, Việt Nam là một quốc gia biển, có 28 tỉnh, thành phố ven biển, trên 2.000km đường biển. Chúng ta có một lượng lớn người dân sống nhờ biển. Vấn đề đặt ra là phải hỗ trợ cho người dân như thế nào để họ an toàn, yên tâm ra khơi bám biểm. Bên cạnh đó, trẻ em của chúng ta dù đang được rất nhiều cơ quan, tổ chức, các quỹ hỗ trợ nhưng tôi nghĩ cần có sự hỗ trợ bài bản hơn nữa. Cụ thể là tạo ra một "hệ sinh thái" để kết nối tất cả sự trợ giúp với người được nhận trợ giúp. Nhờ đó, những người nhận trợ giúp sẽ được tiếp cận sự trợ giúp một cách toàn diện hơn.
Ví dụ như với ngư dân, chúng tôi không chỉ hỗ trợ áo phao như đã làm mà còn hỗ trợ sinh kế, kiến thức, nhận thức, kỹ năng, nhà ở… để giúp họ sống và phát triển được ở vùng biển đó với những nghề truyền thống của họ.
Chúng tôi muốn khi người dân có nhu cầu thì chỉ cần tìm đến một tổ chức Hội, một địa chỉ sẽ được kích hoạt, hỗ trợ toàn diện các vấn đề.
Ngoài ra, trong nhiệm kỳ này, thay vì tổ chức Phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam" như hàng năm, chúng tôi sẽ phát động Phong trào "Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái". Chúng tôi sẽ chọn những tấm gương điển hình người tốt làm các việc thiện trong xã hội. Qua đó, tuyên truyền, không ngừng nhân lên những tấm gương người tốt, việc thiện trong xã hội, xây dựng một cộng đồng nhân ái biết yêu thương, sẻ chia, bao dung, giúp đỡ, quan tâm nhau nhiều hơn. Đây cũng là hoạt động cụ thể để tuyên truyền các giá trị nhân đạo và tư tưởng nhân đạo Hồ Chí Minh; thực hiện nhiệm vụ lan tỏa tinh thần nhân ái trong xã hội của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ cho người dân khó khăn trong dịp Tết sẽ được tổ chức thông qua hình thức "Tết nhân ái". Chương trình sẽ có các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí, những hoạt động để người khuyết tật, người khó khăn được thể hiện bản thân. Chúng tôi cũng sẽ có những "Gian hàng Tết 0 đồng" gồm các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu, quần áo, bánh kẹo… để người dân đến đây tự lựa chọn thay vì mang những món quà cố định đi tặng như trước. Cách thức tổ chức này rất nhân ái, thể hiện sự tôn trọng những người nghèo khó, giúp cho người dân nhận hỗ trợ được thực sự vui, thực sự đón Tết và nhận được những món quà Tết phù hợp với nhu cầu.
Trân trọng cảm ơn bà!