Đoàn kết 'trong' và 'ngoài' để phòng, chống dịch COVID-19

Cuộc chiến chống COVID-19 đặt ra yêu cầu cho Việt Nam không chỉ củng cố khối đoàn kết, thống nhất trong nước mà còn phải thắt chặt khối đoàn kết quốc tế và hợp tác với các đối tác, vì mục tiêu bảo vệ tối đa sinh mạng con người, kéo giảm tác động tiêu cực của đại dịch và đưa xã hội trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Chú thích ảnh
Tổ y tế lưu động Phường 3, Quận 4 (TP Hồ Chí Minh) lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại Chung cư B3. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Trải qua 3 đợt bùng phát của dịch COVID-19 trong hơn 1 năm, nhưng nhờ sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Nhà nước và đặc biệt là sự đồng lòng, đoàn kết của nhân dân, Việt Nam đã an toàn vượt qua đại dịch, đồng thời bảo đảm kinh tế vẫn tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Ở đợt bùng phát thứ tư của biến thể nguy hiểm, khó lường Delta từ cuối tháng 4/2021 tới nay, tinh thần đoàn kết, trên dưới một lòng của các cấp chính quyền, toàn thể nhân dân tiếp tục được phát huy trong thực hiện nghiêm ngặt các chỉ đạo của Chính phủ, chính quyền các địa phương, đã trở thành lực cản lớn đối với sự lây lan của Delta.

Theo số liệu của Bộ Y tế, trong đợt bùng phát thứ 4 này, từ 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dịch, nay đã có 7 tỉnh, thành phố qua 14 ngày không ghi nhận lây nhiễm mới và 5 tỉnh, thành phố trải qua 14 ngày không có ca lây nhiễm cộng đồng trên địa bàn, rất nhiều địa phương khác đang kiểm soát được dịch bệnh.

Nơi dịch đang hoành hành mạnh nhất là TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Nam đang thực hiện chiến dịch xét nghiệm diện rộng để bóc tách F0 và phong tỏa trong thời gian qua đã giúp số F0 mới “đi ngang”, không tăng đột biến như trước. Đặc biệt, với hoàn cảnh và điều kiện của một siêu đô thị như TP Hồ Chí Minh, những nỗ lực chống dịch của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận là “những kết quả rất quan trọng, đáng được hoan nghênh”.

Một mặt giữ vững đoàn kết ở trong nước, nhưng mặt khác chúng ta phải tiếp tục tăng cường đoàn kết với quốc tế và khu vực để chống lại COVID-19 trên các phương diện chính: Giảm lây nhiễm và số ca tử vong thông qua vaccine, tăng cường năng lực y tế cũng như chuẩn bị cho sự phục hồi kinh tế và đời sống xã hội bền vững sau đại dịch.

Ngay tại thời điểm này, Việt Nam đang nỗ lực làm tốt công tác đối ngoại ở nhiều kênh khác nhau để tạo ra sự đồng thuận chung trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Sau 3 ngày làm việc trực tuyến, Đại hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN lần thứ 42 (AIPA-42) với chủ đề “Phát triển quan hệ hợp tác nghị viện trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm hướng tới Cộng đồng ASEAN năm 2025” vừa bế mạc chiều nay (25/8) đã đạt được nhiều đồng thuận quan trọng trên kênh lập pháp để củng cố sự phát triển chung của toàn khối ASEAN, trong đó có nhiều nội dung liên quan tới việc khắc phục tác động của COVID-19 và các vấn đề toàn cầu khác như đề xuất của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các nhà lãnh đạo nghị viện ASEAN khác.

AIPA-42 đã thông qua Nghị quyết về Phục hồi kinh tế hậu COVID-19: Hợp tác du lịch trong ASEAN, tái khẳng định cam kết của AIPA trong việc hỗ trợ Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2016-2025 thông qua sắp xếp lại ưu tiên các hoạt động và dự án du lịch; Nghị quyết về Tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN thông qua thúc đẩy số hóa các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, hướng tới hội nhập kinh tế số ASEAN; Nghị quyết về Thúc đẩy an ninh con người trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm cho ASEAN, coi đây là một trong những trụ cột chính của quá trình khôi phục sau COVID-19 và đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam dự họp Phiên toàn thể thứ hai. Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN

Với các Nghị quyết quan trọng này, nghị viện các nước thành viên AIPA cam kết gỡ bỏ các rào cản thông qua khuôn khổ pháp lý phù hợp, cải thiện chất lượng các dịch vụ công trực tuyến nhằm phát triển Chính phủ điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận bình đẳng các dịch vụ số, thúc đẩy việc xây dựng nền kinh tế số và xã hội số, mở ra không gian phát triển mới cho xã hội, giảm thiểu tác động và tiến tới thích ứng với các vấn đề đột biến như đại dịch COVID-19. Các cam kết về bảo đảm an ninh mạng, an ninh con người sẽ góp phần hỗ trợ tích cực cho các Chính phủ ứng phó với các vấn đề sai lệch để thống nhất hành động ứng phó với COVID-19 và bảo đảm quyền tự do cá nhân. Và hơn hết, đoàn kết giúp AIPA và ASEAN bảo đảm được vị trí trung tâm của Khối trong xử lý các vấn đề quốc tế, bảo vệ lợi ích mỗi nước thành viên.

Cũng trong hôm nay, các nhà lãnh đạo của nước ta chào đón Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamara Harris sang thăm Việt Nam, nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai bên, trong đó quan hệ thương mại, đầu tư đang là trụ cột. Qua cuộc tiếp của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với bà Kamara Harris, hai bên khẳng định giành cho nhau những ưu tiên trong hợp tác kinh tế, thương mại, thích ứng biến đổi, khoa học - công nghệ, hàng không dân sự và y tế. Đặc biệt, bà Kamara Harris cam kết Hoa Kỳ hỗ trợ 1 triệu liều vaccine Pfizer và số vaccine này sẽ tới Việt Nam trong 24 giờ tới, nâng tổng số liều vaccine mà Hoa Kỳ tài trợ cho Việt Nam lên 6 triệu liều.

Không chỉ vậy, Hoa Kỳ cũng khai trương Văn phòng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật  Hoa Kỳ (CDC) khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội với mục tiêu phối hợp với các quốc gia trong khu vực để thúc đẩy, tăng cường năng lực y tế và chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp.

Trước đó, trong nhiều tháng qua, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước liên tục thực hiện các cuộc hội đàm, điện đàm với các quốc gia có quan hệ truyền thống, hữu nghị, các đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện nhằm chia sẻ những khó khăn cho đại dịch COVID-19, các cơ hội phát triển trong đại dịch và phục hồi sau đại dịch, đặc biệt là thúc đẩy Chiến lược vaccine của Việt Nam đã đem lại nhiều kết quả quan trọng, hướng tới mục tiêu có vaccine nhanh nhất, nhiều nhất để tiêm chủng cho toàn dân.

Đoàn kết, hợp tác sẽ không chỉ giúp Việt Nam sớm khắc chế được đại dịch trong đợt bùng phát thứ 4 này, mà còn tranh thủ được các nguồn lực từ quốc tế, khu vực để đất nước bắt kịp nhanh với sự phục hồi sau đại dịch.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Chậm tiêm vaccine sẽ khiến kinh tế thế giới thiệt hại hơn 2.300 tỷ USD
Chậm tiêm vaccine sẽ khiến kinh tế thế giới thiệt hại hơn 2.300 tỷ USD

Tiến độ chậm trễ trong việc triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 2.300 tỷ USD.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN