Tại diễn đàn, Việt Nam đã nhấn mạnh các nước cần phải đoàn kết và hợp tác mới có thể đảm bảo nguồn tài chính cho phát triển.
Sự kiện có sự tham dự của ông Abdulla Shahid, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, bà Amina J.Mohammed, Phó Tổng Thư ký thường trực LHQ và đại diện hơn 120 nước thành viên LHQ, tổ chức quốc tế và khu vực.
Lãnh đạo các cơ quan của LHQ và các nước cho rằng các tác động của đại dịch COVID-19, biến đối khí hậu, môi trường và các thách thức từ các cuộc xung đột, đã đẩy lùi tiến trình thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, trong đó nguồn tài chính cho việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) không được đảm bảo, nhất là đối với các nước đang phát triển. Đại diện nhiều nước đề nghị các nước phát triển, các thể chế tài chính quốc tế cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ tài chính, giãn nợ để các nước đang phát triển phục hồi sau đại dịch và đẩy nhanh tiến độ thực hiện SDGs.
Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng Kinh tế - Xã hội LHQ Collen Vixen Kelapile, diễn đàn đã thảo luận về một số biện pháp cụ thể như tăng cường không gian tài khóa để phục hồi bền vững và bao trùm, xây dựng hệ thống thuế công bằng và hiệu quả, xử lý các nguồn tài chính bất hợp pháp, tăng cường các hình thức hỗ trợ tài chính ưu đãi, đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số. Đại diện các nước tham dự diễn đàn cũng nhất trí thông qua Tuyên bố chính trị tái khẳng định cam kết đảm bảo tài chính cho phát triển.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã làm chậm tiến trình tăng trưởng kinh tế toàn cầu và sự thiếu hụt về tài chính khiến nhiều quốc gia khó có thể đạt được các SDGs. Trong bối cảnh đó, Đại sứ kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường đoàn kết và hợp tác để đảm bảo tài chính cho phát triển.
Về giải pháp, Đại sứ cho rằng các nước cần hoàn thiện khung thể chế về tài chính tạo điều kiện cho tái cấu trúc ngân sách quốc gia và phát triển thị trường tài chính, thuế theo hướng hiện đại, minh bạch và bền vững. Ngoài việc cần tăng cường thực hiện các chiến lược và chính sách về cơ sở hạ tầng, phát triển xanh, phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa, các nước cũng cần tăng cường năng lực quản trị, đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh sự cần thiết phải tận dụng các đổi mới sáng tạo, công nghệ và chuyển đổi số để đảm bảo tiếp cận tài chính công bằng, hướng tới tài chính số. Đại sứ kêu gọi tăng cường hợp tác công – tư để thúc đẩy tài chính cho phát triển bền vững, các đối tác phát triển và các nước phát triển cần thực hiện cam kết dành 0,7% tổng thu nhập quốc dân cho hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và huy động 100 tỷ USD/năm để hỗ trợ giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Diễn đàn Tài chính cho phát triển là diễn đàn liên chính phủ có nhiệm vụ rà soát việc thực hiện Chương trình hành động Addis Ababa và các nguồn tài chính khác cho việc thực hiện các SDGs. Chương trình hành động Addis Ababa được xây dựng để hỗ trợ việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, góp phần đưa ra khuôn khổ toàn cầu mới về tài chính cho phát triển bền vững.