Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ nằm trong khu vực ảnh hưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với đường bờ biển dài 192 km, diện tích vùng lãnh hải trên 52.000 km2, có đảo Hòn Hải là mốc A6 của đường cơ sở xác định chủ quyền lãnh hải Việt Nam. Tỉnh có tuyến hàng hải nội địa và quốc tế đi qua, là một trong ba ngư trường trọng điểm của cả nước với nhiều đảo ven bờ, có nhiều cảng, cửa sông, vũng, vịnh, bãi tắm đẹp, thuận lợi cho tàu, thuyền neo đậu, vận tải hàng hải, du lịch, phát triển kinh tế biển.
Theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Thuận, thời gian qua, công tác phòng không nhân dân được xác định là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chính trị và tầm chiến lược lâu dài trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Toàn tỉnh có 8/10 huyện, thị xã, thành phố được xác định là địa bàn trọng điểm về phòng không nhân dân.
Trên không phận Bình Thuận có các đường bay trong nước, quốc tế bay qua; có nhiều mục tiêu quan trọng cần được bảo vệ. Do đó, toàn tỉnh xây dựng 14 vọng quan sát phòng không; đầu tư xây dựng nhiều trận địa pháo phòng không; lực lượng chiến đấu phòng không được đầu tư hoàn thiện…
Tuy nhiên, việc triển khai công tác phòng không nhân dân gặp một số khó khó khăn nhất định. Cụ thể, đối với lực lượng tự vệ phòng không ở các công ty, nhà máy, xí nghiệp do hiện nay đã cổ phần hóa nên việc điều động tham gia huấn luyện, diễn tập, hội thi gặp khó khăn; còn thiếu văn bản pháp lý quy định về thời gian, nội dung huấn luyện, chế độ chính sách đãi ngộ cho lực lượng kiêm nhiệm nên gặp khó khăn trong chi trả phụ cấp và ngân sách bảo đảm.
Trên địa bàn tỉnh, các hoạt động sử dụng phương tiện bay không người lái ngày càng nhiều, nhất là việc sử dụng flycam để quay phim, chụp ảnh từ trên không xuống. Các hoạt động này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý vùng trời, làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, việc đăng ký cấp phép bay cho tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ do Cục Tác chiến/Bộ Tổng Tham mưu là cơ quan duy nhất cấp phép làm nảy sinh tình trạng ngại xin phép bay. Từ đó dẫn tới việc nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm bay và công tác quản lý, giám sát hoạt động bay ở địa phương gặp nhiều khó khăn.
Tại buổi làm việc, các đại biểu thảo luận và đề nghị bổ sung một số nội dung vào dự thảo Luật Phòng không nhân dân như: Người điều khiển tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ phải có giấy chứng nhận điều khiển phương tiện bay do cơ quan có thẩm quyền cấp; phương tiện bay phải được đăng ký theo quy định; phương tiện bay có rất nhiều loại và khi bay phục vụ nhiều mục đích khác nhau, nên quy định rõ ràng những phương tiện bay loại nào phải đủ 18 tuổi trở lên mới được điều khiển và loại nào cho phép dưới 18 tuổi có thể điều khiển…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức đánh giá cao sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền tỉnh Bình Thuận trong công tác phòng không nhân dân thời gian qua, đặc biệt là các ý kiến đóng góp thiết thực tại buổi làm việc. Đồng thời đề nghị, tỉnh Bình Thuận hoàn thiện nội dung báo cáo gửi Đoàn khảo sát để có căn cứ tiếp thu hoàn chỉnh dự thảo. Ủy ban Quốc phòng và An ninh ghi nhận tất cả ý kiến đề xuất của tỉnh và tiếp tục phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh nội dung của dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét.