Cần chính sách cụ thể hơn để phát triển nhân lực chất lượng cao
Đánh giá về kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2016-2020 trong Dự thảo "Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021 - 2025", hầu hết các ý kiến nhất trí với nội dung Dự thảo. Một số ý kiến đề nghị cần đánh giá sát hơn công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc đánh giá: "Đã chủ động kiểm soát, phòng ngừa không để phát sinh các sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng" chưa sát, đề nghị chỉnh sửa cho phù hợp.
Từ góc nhìn của một người làm việc tại công ty có vốn đầu tư nước ngoài, ông Trần Văn Tú, Trợ lý Tổng Giám đốc, Trưởng Phòng Hành chính, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bluecom Vina-công ty 100% vốn Hàn Quốc (nằm trong Khu Công nghiệp Tràng Duệ, Hải Phòng) cơ bản nhất trí với Dự thảo "Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 -2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025". Dự thảo đã bao quát những thuận lợi, thách thức mà đất nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp phải tiếp ứng và biến nguy cơ thành cơ hội.
Ông Trần Văn Tú nhận xét, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và Hải Phòng không nằm ngoài làn sóng đó. Khu Công nghiệp Tràng Duệ là nơi đầu tư của hơn 60 dự án, trong đó chỉ riêng Tập đoàn LG (Hàn Quốc) đã có 4 dự án. Được biết, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng đang trình Chính phủ phương án tiếp tục mở rộng Khu Công nghiệp Tràng Duệ, cùng với phát triển các khu, cụm công nghiệp mới. Đó là minh chứng rõ nét nhất cho sự thành công trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận mặt bằng như dự thảo văn kiện đã đánh giá.
Tuy nhiên, ông Trần Văn Tú mong muốn, Trung ương Đảng tiếp tục thảo luận và có những giải pháp cụ thể hơn nữa đối với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại mục 6, phần IV, nhiệm vụ giải pháp chủ yếu của Dự thảo Báo cáo này.
Ông Tú cho biết, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bluecome Vina có trên 1.000 lao động; do đó, tất cả những nghịch lý trên thị trường lao động cũng đều tồn tại ở công ty. Để chọn đội ngũ lãnh đạo, quản lý cao cấp, công ty phải dựa vào những đơn vị cung ứng nguồn nhân lực ngoài Nhà nước. Công nhân có bằng đại học, cao đẳng nhiều nhưng có tay nghề tốt lại ít, do quá trình học tập, các em ít có cơ hội tiếp cận với máy móc, trang thiết bị, học tập các kỹ năng cần thiết. Đội ngũ cán bộ tinh thông nghiệp vụ ở các cơ quan Nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp FDI để tiếp cận chính sách, pháp luật còn thiếu. Thực tế cho thấy, văn bản pháp luật của nước ta ban hành nhiều, thay đổi liên tục, có khi doanh nghiệp chưa tiếp cận xong văn bản này đã phải nghiên cứu các văn bản mới ban hành liên quan. Ngoài ra, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài cần một bộ phận kết nối giúp họ hiểu về văn hóa, môi trường sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam để khi dự án chính thức đi vào hoạt động, nhà đầu tư không mất thêm nhiều thời gian để vận hành các hoạt động hành chính.
Bảo vệ lợi ích hài hòa của người lao động
Liên quan đến vấn đề trong doanh nghiệp, ông Tô Đình Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng bày tỏ băn khoăn về phần đánh giá phương thức lãnh đạo của Đảng trong Dự thảo "Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng".
Cụ thể, Nghị quyết 20/TW, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ban hành ngày 28/1/2008 về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã được Thành ủy Hải Phòng chỉ đạo tổng kết, đánh giá. Song, qua theo dõi thực tế tại một số địa phương và tại Hải Phòng, ông Tô Đình Sơn nhận thấy, việc tổng kết Nghị quyết chưa nhất quán từ Trung ương tới địa phương và chưa sát sao.
Song song với Nghị quyết này, Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 22, ngày 5/6/2008 về “Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp”. Theo ông Tô Đình Sơn, thời gian qua, số lượng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI đầu tư tại thành phố Hải Phòng tăng nhanh. Đối với mỗi doanh nghiệp, năng suất lao động luôn là yếu tố được đặt lên hàng đầu, vậy, quyền lợi của người lao động như thế nào, vai trò của tổ chức Công đoàn cần đẩy mạnh ra sao? Vì vậy, ông Sơn mong muốn, thời gian tới, Trung ương Đảng sẽ tiếp tục có những chỉ đạo mạnh mẽ để Nghị quyết đi vào cuộc sống, đảm bảo quyền lợi, lợi ích cho người lao động và hài hòa với sự phát triển của doanh nghiệp.
Ngoài đại diện các doanh nghiệp, nhiều tổ chức đảng trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Hải Phòng tham gia đóng góp ý kiến cho các Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Theo Đảng bộ Khối doanh nghiệp Hải Phòng, tại thời điểm lấy ý kiến tham gia vào Dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp có 95 tổ chức cơ sở đảng (47 đảng bộ và 48 chi bộ) với tổng số 4.539 đảng viên và 32.000 người lao động. Xác định việc thảo luận, tham gia ý kiến vào Dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đại hội Đảng bộ các cấp, 100% các đảng bộ, chi bộ cơ sở đã tổ chức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người lao động thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Với tinh thần trách nhiệm cao, các cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người lao động đã có gần 1.000 lượt ý kiến tham gia vào các Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Hầu hết các ý kiến góp ý đều đánh giá, nhận định quá trình chuẩn bị Dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng XIII công phu, chu đáo; bố cục chặt chẽ, khoa học đổi mới, sáng tạo. Chủ đề Đại hội kế thừa các thành tố Đại hội XII, giữ nguyên thành tố bảo vệ Tổ quốc, phát triển các thành tố còn lại thành mục tiêu phát triển đến giữa thế kỷ 21. Nội dung các Dự thảo văn kiện thể hiện quan điểm đánh giá tổng quát tiến trình đổi mới, quyết định phương hướng, mục tiêu 5, 10 năm tới và tầm nhìn 2045. Văn phong mạch lạc, ngắn gọn, sâu sắc làm rõ nhiều vấn đề lớn, trọng tâm của đất nước, từng lĩnh vực của đời sống - xã hội, nhất là đã nêu bật được những thành tựu đạt được, những khuyết điểm, hạn chế, nguyên nhân và tổng kết rút ra các bài học kinh nghiệm sâu sắc; xác định rõ xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt xuyên suốt nhiệm kỳ đi đôi với nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng.