Báo cáo với Đoàn công tác, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, từ năm 1962 đến nay, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng hàng chục nghìn cán bộ làm công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông cho Đảng, Nhà nước. Nhiều người được đào tạo tại Học viện đã, đang giữ trọng trách cao trong các cơ quan tuyên giáo, báo chí, xuất bản và các cơ quan khác trong hệ thống chính trị của đất nước.
Thời gian tới, để tiếp tục triển khai, thực hiện nhiệm vụ tốt hơn, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có nhiều đề xuất, kiến nghị với Ban Tuyên giáo Trung ương và các ban, bộ, ngành Trung ương.
Theo đó, Học viện đề xuất Ban Tuyên giáo Trung ương sớm có tổng kết về công tác đào tạo nguồn nhân lực làm công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông trên cả nước để đánh giá những thành công, hạn chế, bất cập từ đó có những chỉ đạo phù hợp trong công tác đào tạo, quản lý lĩnh vực này trên cả nước. Ban tham mưu cho Đảng, Nhà nước tăng cường đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông nhằm thu hút nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này; xây dựng quy hoạch tổng thể các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045; sắp xếp lại các cơ sở hiện có theo hướng chính quy, hiện đại, chuyên sâu, tập trung...
Học viện đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục cùng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Tuyền thông quan tâm, tạo điều kiện, đầu tư các nguồn lực cho Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện thành công Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, phát triển Trường thành cơ giáo dục đại học trọng điểm quốc gia...
Trong buổi làm việc, nhiều ý kiến, thảo luận của các đại biểu đã tập trung trao đổi các nội dung, phương hướng và đề xuất tiếp tục tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác tư tưởng - văn hóa, báo chí, xuất bản, truyền thông cho Đảng, Nhà nước.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận, đánh giá cao những thành tựu của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt được. Học viện đã và đang nỗ lực không ngừng đổi mới, sáng tạo, xứng đáng là một trong những cơ sở trọng điểm đào tạo, bồi dưỡng phóng viên, biên tập viên báo chí, xuất bản; là cơ sở nghiên cứu khoa học phục vụ mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tham gia góp ý xây dựng đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực tư tưởng, báo chí, xuất bản và truyền thông.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, Nghị quyết của Đảng luôn đặt vấn đề xây dựng nền báo chí và truyền thông cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Tinh thần chung của Nghị quyết Đại hội XIII xác định phải làm tốt công tác quy hoạch phát triển báo chí và truyền thông đến năm 2025. Nội dung rất quan trọng được xác định là xây dựng nguồn lực đội ngũ những người làm báo chí, xuất bản và truyền thông; phát triển loại hình truyền thông mới, nhất là truyền thông trên nền tảng Internet và mạng xã hội.
Do đó, yêu cầu đặt ra về chương trình đào tạo của Học viện Báo chí và Tuyền truyền là cần phải đổi mới nội dung, phương thức, hình thức và chương trình đào tạo để đáp ứng với điều kiện đổi mới báo chí, xuất bản và truyền thông. Học viện cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, đào tạo báo chí, truyền thông và xuất bản.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng các ý kiến, kiến nghị, đề xuất tại buổi làm việc hết sức thiết thực, xác đáng, rõ ràng. Ban Tuyên giáo Trung ương, các bộ, ngành, cơ quan chức năng có định hướng chỉ đạo Học viện trong việc chuẩn hóa về nội dung chương trình đào tạo, khung đào tạo, đáp ứng yêu cầu đặt ra, bám sát nhu cầu của thực tiễn xã hội và yêu cầu về công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước, trong đó, đề cao việc học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong làm báo và viết báo.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, công tác đào tạo, quản lý giáo dục đề cao vai trò của đội ngũ cán bộ giảng dạy tâm huyết, yêu nghề, truyền cảm hứng kinh nghiệm thực tiễn cho thế hệ sinh viên có bản lĩnh nghề nghiệp, kinh nghiệm thực tiễn, chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu và hội nhập quốc tế. Trong điều kiện hiện nay, việc đào tạo báo chí, truyền thông về lĩnh thông tin đối ngoại cần được đẩy mạnh; đưa các yếu tố vùng miền vào trong công tác đào tạo, đặc biệt không để thiếu thông tin vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi…