Đổi mới công tác quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại

Sau một thời gian ngắn triển khai khẩn trương, quyết liệt, Dự án Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu.

Hai hệ thống này sẽ chính thức hoạt động từ ngày 1/7/2021 và sẵn sàng kết nối với các bộ, ngành, địa phương phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử và phục vụ nhân dân.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Công an đã đồng thời triển khai cùng lúc 2 dự án. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ Công an từ Trung ương đến địa phương đã không quản ngày đêm để hoàn thành việc xây dựng 2 dự án. Tính đến ngày 14/6/2021, lực lượng Công an toàn quốc đã thu nhận hơn 53,8 triệu hồ sơ cấp Căn cước công dân, đạt 107,8% chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra.

Chú thích ảnh
Nơi tiếp nhận và hướng dẫn làm thủ tục hồ sơ cấp CCCD tại Công an quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Đến nay, 2 dự án đã xây dựng thành công với 4 kết quả lớn. Thứ nhất là đã cơ bản hoàn thành xây dựng hệ thống Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Thứ hai là đã hoàn thành thu thập, bổ sung thông tin dân cư trên cả nước, tiến hành "làm sạch" dữ liệu, đồng bộ vào hệ thống và cấp mã số định danh cho công dân trong toàn quốc.

Thứ ba là đã hoàn thành việc thiết kế và sản xuất thẻ căn cước công dân mới có gắn chíp điện tử; đồng thời trong thời gian ngắn hoàn thành triển khai chiến dịch cấp 50 triệu thẻ cho công dân để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp. Thứ tư là đã triển khai kết nối thử nghiệm thành công Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các bộ, ngành, địa phương.

Hoàn thành thu thập, bổ sung thông tin dân cư

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một trong 5 cơ sở dữ liệu gốc của Chính phủ điện tử, là nền tảng để xây dựng kinh tế số, xã hội số, làm tiền đề để xây dựng các cơ sở dữ liệu khác.

Để có cơ sở dữ liệu này, lực lượng Công an đã thu thập, rà soát, quét dữ liệu dân cư của 63 tỉnh, tiến hành "làm sạch" dữ liệu, đồng bộ vào hệ thống và cấp mã số định danh cho công dân trong toàn quốc.

Khối lượng công việc là rất lớn. Hàng vạn cán bộ, chiến sỹ Công an ở cơ sở trên khắp mọi miền của cả nước đã tiến hành khai thác, đối chiếu các loại hồ sơ, tàng thư, đồng thời “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng trường hợp” để thu thập, cập nhật, bổ sung thông tin dân cư, bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống” trước khi đưa vào Cơ sở dữ liệu.

Đến nay, đã thu thập và đồng bộ vào hệ thống hơn 98 triệu nhân khẩu, qua đó đã đồng loạt tiến hành cấp mã số định danh cho công dân trên toàn quốc vào ngày 18/6/2021, đây là cơ sở quan trọng để xác lập danh tính điện tử của công dân, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

 Phấn đấu đến tháng 9/2021 sẽ in trả toàn bộ thẻ cung cấp cho người dân

Để bảo đảm cho nhân dân sớm được hưởng những tiện ích của thẻ căn cước mới, Bộ Công an đã chỉ đạo triển khai chiến dịch thu nhận hồ sơ để cấp 50 triệu thẻ căn cước trước ngày 1/7/2021.

Lực lượng Công an toàn quốc đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, vào cuộc quyết liệt trong thực hiện chiến dịch, trong điều kiện tính toán tận dụng tối ưu phương tiện, thiết bị để tránh lãng phí, đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả nảy sinh từ thực tiễn được nhân rộng, tạo khí thế thu đua sôi nổi, mạnh mẽ trong toàn lực lượng; nhiều tấm gương làm việc không kể giờ giấc, ngày nghỉ, ngày lễ, được nhân dân đồng tình ủng hộ, khen ngợi, đánh giá cao… Do có sự quyết tâm của toàn lực lượng nên chỉ trong thời gian ngắn, từ 1/3/2021 đến nay, toàn quốc đã thu nhận được trên 54 triệu hồ sơ để cấp thẻ căn cước, hoàn thành vượt mục tiêu đề ra trước 1 tháng so với kế hoạch.

Đại tá Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, Bộ Công an phấn đấu đến 1/7/2021 sẽ in và trả 50 triệu thẻ cho người dân. Nhưng dịch COVID-19 xảy ra đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp sản xuất chip, tất cả các nước trên thế giới đều rơi vào tình trạng khủng hoảng chip sử dụng sản xuất căn cước công dân. Chip điện tử mà chúng ta sử dụng sản xuất căn cước công dân là chip có cấu trúc kỹ thuật và độ bảo mật cao, phải nhập từ nước ngoài nên tác động của dịch COVID cũng sẽ làm ảnh hưởng tiến độ chung.
"Chúng tôi sẽ cố gắng mức độ tối đa để in thẻ nhanh, trả cho người dân càng sớm càng tốt, tức phấn đấu đến tháng 9/2021 sẽ in trả toàn bộ thẻ cung cấp cho người dân", Đại tá Phạm Công Nguyên nhấn mạnh.

Kết nối thử nghiệm thành công Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Hiện, Bộ Công an đã triển khai kết nối thử nghiệm thành công Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các bộ, ngành, địa phương. Việc thử nghiệm kết nối thành công đã chứng minh sự sẵn sàng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đáp ứng các yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử.

Đại tá Phạm Công Nguyên cho biết, hiện có một số bộ, ban, ngành đã kết nối để thực hiện các dịch vụ công cho người dân. Trong quá trình làm, bộ, ban, ngành nào có đủ điều kiện về an ninh, an toàn và đủ cơ sở hạ tầng, đủ điều kiện thì sẽ kết nối ngay, như: Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng cục Thuế, Bảo hiểm xã hội... đã kết nối. Sau ngày 22/6, dự kiến có 27 đơn vị, địa phương và một số bộ, ban, ngành kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đại tá Phạm Công Nguyên cho biết thêm, hiện có tình trạng các bộ, ban, ngành kết nối chậm với Cơ  sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, như: do bộ, ban, ngành chưa có cơ sở dữ liệu chuyên ngành, do chưa có hạ tầng kết nối, đường truyền chưa đảm bảo; hoặc quá trình bảo mật phần mềm để đảm bảo an ninh, an toàn thông tin chưa đủ điều kiện.

"Điều này ảnh hưởng đến các giao dịch của người dân. Tiện ích mà Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đem lại là giảm rất nhiều thủ tục hành chính, giấy tờ khi người dân tham gia các giao dịch dân sự mà có sử dụng các loại giấy tờ yêu cầu xác thực dữ liệu công dân của chính mình. Khi nào các bộ, ngành có dữ liệu kết nối với Dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ cắt giảm thủ tục hành chính và mang lại nhiều tiện ích cho người dân, dữ liệu được xác thực, chính xác, bảo mật và đồng nhất", Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phân tích.

Hoàn thiện, duy trì và phát huy giá trị của 2 dự án

Việc hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân đã, đang và sẽ mang lại nhiều hiệu quả to lớn đối với các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân, nhất là sẽ tạo sự đổi mới căn bản công tác quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, góp phần cải cách triệt để các thủ tục hành chính liên quan đến công dân, làm giảm chi phí giấy tờ, thời gian xác minh, đi lại, giảm ngân sách nhà nước khi xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các loại hồ sơ, sổ sách. Việc sử dụng thẻ căn cước có gắn chíp điện tử sẽ thay thế nhiều loại giấy tờ khác, đồng thời mở ra nhiều cơ hội trong triển khai các dịch vụ liên quan đến xác thực điện tử, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự...

Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Quang Liêm, quyền Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT (là đối tác về công nghệ cho toàn bộ hai dự án) đánh giá, với dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” như tiêu chí mà Bộ Công an đã đặt ra, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp các bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội có dữ liệu gốc làm nền móng để triển khai những ứng dụng chuyên ngành thiết thực và phát triển những dữ liệu quan trọng khác trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là nền tảng quan trọng, là điều kiện tối cần thiết để hình thành định danh số cho mỗi công dân Việt Nam trên môi trường số, giúp kích thích, vận dụng được năng lực số không bị giới hạn về thời gian và địa giới hành chính trong các giao dịch giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp và giữa người dân, doanh nghiệp với nhau. Đó chính là động lực để phát triển nền kinh tế số, xã hội số.

Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ để hoàn thiện, duy trì và phát huy giá trị của 2 dự án. trong đó, trọng tâm mà Bộ hướng đến là duy trì thường xuyên việc bổ sung, cập nhật thông tin dân cư, bảo đảm thông tin luôn “đúng, đủ, sạch, sống” một cách bền vững và lâu dài; triển khai các kết nối với các Bộ, ban, ngành, UBND các địa phương để thực hiện các dịch vụ công, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước, đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Bộ Công an tiếp tục cấp căn cước công dân với thủ tục nhanh gọn, bảo đảm 100% công dân đến độ tuổi được cấp căn cước; nâng cao hiệu xuất in và trả thẻ căn cước theo đúng quy định.

Bên cạnh đó là duy trì bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và bảo mật, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn hệ thống và dữ liệu; nghiên cứu, thiết lập Hệ thống định danh và xác thực điện tử. Bộ Công an cũng triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Cư trú sửa đổi, chuyển đổi phương thức quản lý dân cư từ sổ hộ khẩu giấy sang quản lý bằng mã số định danh cá nhân; nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, dịch vụ khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân để phục vụ người dân và doanh nghiệp; đồng thời, triển khai hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý dân cư.

Xuân Tùng (TTXVN)
Thành lập Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân
Thành lập Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân

Chiều 20/6, Bộ Công an tổ chức Lễ công bố quyết định về việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN