Nhiều cách làm hay
Thành phố Hồ Chí Minh đang là địa bàn nóng bỏng về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, với đặc điểm là đô thị lớn, đông dân, lãnh đạo thành phố luôn thận trọng khi ra quyết định những vấn đề tác động đến tâm trạng, đời sống của người dân trên địa bàn. Do đó, thông tin tuyên truyền trên báo chí, trên mạng xã hội cần được quan tâm đúng mức; cần sự phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin tích cực, làm tốt công tác tư tưởng, góp phần ổn định tình hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả, tránh gây xáo trộn, tạo tâm lý hoang mang trong nhân dân.
Mới đây, khi Thành phố Hồ Chí Minh trải qua những đợt giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin sai sự thật, tin giả gây hoang mang người dân và ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch của thành phố. Trước diễn biến này, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã có sáng kiến xây dựng chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” qua hình thức livestream. Việc chính quyền đối thoại với người dân là điều bình thường, nhưng chủ yếu trên truyền hình, qua báo chí, còn đối thoại qua livestream trên mạng xã hội thì đây là lần đầu tiên Thành phố áp dụng trong bối cảnh dịch bệnh đang rất phức tạp. Chương trình này hiện đang thu hút sự quan tâm rất lớn từ người dân thành phố. Thông qua thông tin mà chương trình cung cấp và phản ánh từ nhiều kênh khác, lãnh đạo thành phố biết được nguyện vọng, tâm tư, đề xuất, mong muốn của người dân và từ đó, triển khai rất khẩn cấp các biện pháp để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả.
Chia sẻ kinh nghiệm công tác tuyên giáo trong tình hình dịch COVID-19, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai cho biết, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội để tham mưu cho Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy xử lý kịp thời, phù hợp. Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, theo yêu cầu của Thường trực Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tổ chức khảo sát các nhóm phụ huynh và giáo viên lớp 9 về việc điều chỉnh thời gian, cách thức thi tuyển vào lớp 10 trên địa bàn thành phố theo hướng giảm thời gian, ghép môn thi. Từ kết quả tổng hợp, phân tích của Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã có quyết định kịp thời về kỳ thi tuyển vào lớp 10 với hơn 93.000 thí sinh tham gia, đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, để nắm bắt nhanh tình hình tư tưởng, tâm trạng dư luận xã hội và tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị của các tầng lớp nhân nhân về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh đã mở kênh tiếp nhận thông tin phản ánh trực tiếp của nhân dân bằng hình thức trực tuyến từ ngày 31/5/2021. Với hình thức tiếp nhận ý kiến phản ánh trực tiếp này, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tiếp nhận được nhiều thông tin tích cực phản ánh từ người dân về các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Người dân đã đề xuất nhiều ý kiến đối với công tác phòng, chống dịch như thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội, việc tiếp nhận công dân từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh có ca nhiễm trong cộng đồng, hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong mùa dịch…
Từ những ý kiến, kiến nghị này, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề đạt lên Tỉnh ủy, UBND tỉnh để kịp thời điều chỉnh, sửa đổi hoặc ban hành các chủ trương cho phù hợp. Bên cạnh việc mở kênh tiếp nhận thông tin phản ánh trực tiếp của nhân dân bằng hình thức trực tuyến, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tiến hành khảo sát ý kiến của người dân bằng hình thức trực tuyến để nắm bắt một cách đầy đủ ý kiến phản ánh của người dân về hiệu quả công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch; ý thức của người dân trong việc tuân thủ, chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh; hiệu quả công tác lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và các lực lượng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19... trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Cách làm này đã mang lại hiệu quả rất cao so với cách làm truyền thống trước đây, tiết kiệm thời gian, chi phí và nhiều nguồn lực khác.
Phát huy vai trò trên mặt trận phòng, chống dịch
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 đối với Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan chủ quản báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí.
Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, đơn vị, cập nhật, bổ sung để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, định hướng, hướng dẫn thông tin theo từng giai đoạn, thời điểm, đợt dịch với yêu cầu, nội dung thật cụ thể, chi tiết, hướng tới từng đối tượng cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân; đặc biệt là đối tượng bị ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19, các đối tượng yếu thế; vận dụng, quán triệt triển khai Quyết định số 2-QĐ/TW ngày 30/9/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về ban hành Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm, để xử lý kịp thời, nhạy bén với các vấn đề, sự kiện xuất hiện ở địa phương, đơn vị...
Ban Tuyên giao tăng cường cán bộ bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình tư tưởng, diễn biến, dư luận xã hội nhằm dự báo và xử lý những điểm “nóng”, những vấn đề phát sinh, tác động tới tâm trạng xã hội, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để bị động đối với các tình huống xấu, bất ngờ phát sinh.
Các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch và khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, chủ động và tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; tuyên truyền và hướng dẫn người dân về việc cài đặt, sử dụng các ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch như Bluezone, Khai báo y tế... Trong tuyên truyền, tăng cường các thông tin tích cực, lan tỏa tinh thần nhân văn, nhân ái, lá lành đùm lá rách, tiếp thêm niềm tin, phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, hướng con người tới những điều tốt đẹp...
Để tiếp tục chung sức, đồng lòng với cả nước phòng, chống dịch bệnh, góp phần tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn dân, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương và địa phương vận động các văn nghệ sĩ đẩy mạnh hơn nữa việc sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật, góp phần tuyên truyền, cổ động phòng, chống dịch COVID-19 ở Việt Nam, nhất là trong việc thực hiện 5K và tiêm vaccine...
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu toàn ngành Tuyên giáo phải tiếp tục tham gia có hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội. Qua tuyên truyền tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận xã hội về các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt phòng, chống dịch; khắc phục tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch, nhưng cũng không tạo ra tâm lý hoang mang, lo lắng, căng thẳng trong nhân dân; truyền cảm hứng và tạo niềm tin cho nhân dân, nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tự giác, tích cực thực hiện phòng chống dịch.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, cần chú trọng cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, thực hiện đúng quan điểm: "Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, văn hóa, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, vì mục tiêu cuối cùng là sức khỏe, tính mạng, hạnh phúc, ấm no của nhân dân..."
Công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh là kênh rất quan trọng để người dân hiểu rõ, từ đó chấp hành nghiêm túc các quy định của cơ quan chức năng để sớm khống chế, tiến tới đẩy lùi dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới.