Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, dự thảo Quy chế đã được Văn phòng Quốc hội xin ý kiến và nhận được sự đồng thuận của Văn phòng Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước…
Sau khi nghe ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, việc sửa đổi Quy chế cần kế thừa các quy định trước đây nhưng vẫn phải bảo đảm đổi mới hoạt động, công tác điều hành của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời, bảo đảm sự bao quát trong việc sửa đổi quy trình làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và không được trái luật.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, ngoài nguyên tắc làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo chế độ tập thể, quyết định đa số theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, cần bổ sung thêm trách nhiệm của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và mỗi thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua các chương trình, kế hoạch công tác cụ thể.
Việc sửa đổi Quy chế mới cần phù hợp với việc sửa đổi các quy định của Nội quy Kỳ họp Quốc hội và Nghị quyết mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trên cơ sở nghiên cứu, rà soát và đề xuất, kiến nghị của các cơ quan hữu quan, Văn phòng Quốc hội nhận thấy cần sửa đổi, bổ sung khoảng 49/74 điều trong Quy chế năm 2015. Nội dung phần lớn là cập nhật, sửa đổi, bổ sung một số vấn đề, quy trình, thủ tục để bảo đảm khắc phục việc thiếu quy định xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra, phù hợp với tình hình triển khai các hoạt động trong thực tế và thống nhất với các quy định tại một số luật mới ban hành.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, Ban soạn thảo đã có nhiều cố gắng trong việc nghiên cứu, rà soát và dự kiến sửa đổi, cập nhật, bổ sung nhiều quy trình, thủ tục, phương thức xử lý công việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Pháp luật đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bám sát các quan điểm chỉ đạo sửa đổi Quy chế, rà soát kỹ các văn kiện, nghị quyết của Đảng, quy định có liên quan trong các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổng kết, đánh giá toàn diện phương thức tổ chức và hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…
Trên cơ sở đó, đối chiếu với yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tình hình mới để xác định rõ những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, bảo đảm bao quát đầy đủ, toàn diện các thẩm quyền, nhiệm vụ, nội dung hoạt động, gắn với từng hình thức làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và khả thi; đồng thời khắc phục những bất cập, vướng mắc trong thực tế.